Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria có nguy cơ kéo Mỹ vào cuộc xung đột quy mô lớn, không lối thoát ở Trung Đông.
Sau nhiều lần cảnh báo đe dọa, cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định phối hợp với Anh và Pháp tấn công vào căn cứ của Syria hôm 14/4. Tuy nhiên, hành động dội hỏa lực vào Syria của Mỹ và đồng minh được các chuyên gia nhận định là sai lầm chiến lược vì có nguy cơ hạ thấp vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và kéo nước này vào cuộc xung đột quy mô lớn, không lối thoát ở Trung Đông.
'Tấn công trực diện 1 quốc gia có chủ quyền
Sai lầm đầu tiên của Mỹ là tấn công một quốc gia độc lập, hợp pháp và có chủ quyền. Hiến chương Liên Hợp Quốc chỉ công nhận hai cơ sở cho phép sử dụng vũ lực nhằm vào lãnh thổ của một quốc gia khác mà không cần sự tán thành của cơ quan này đó là: được sự cho phép của Hội đồng Bảo an hoặc hành động phòng vệ.
Trong trường hợp Syria, Liên Hợp Quốc đã không phê chuẩn cuộc tấn công và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng không thông qua. Vì tất yếu nếu Mỹ đề xuất bỏ phiếu dự thảo nghị quyết tấn công Syria tại Hội đồng Bảo an, nghị quyết này sẽ bị Nga và Trung Quốc phản đối.
Không có lý do chính đáng
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng không có lý do chính đáng để thực hiện cuộc tấn công này. Ông Trump cùng các thành viên cao cấp trong chính quyền coi vụ không kích bằng tên lửa hành trình nhằm vào Syria là đòn trừng phạt với cáo buộc chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma hôm 7/4. Thế nhưng đến nay, việc xác định thủ phạm vẫn còn gây tranh cãi.
Hơn nữa, cuộc tấn công của Mỹ còn khiến dư luận cho rằng, nhiều khả năng Mỹ đang cố tình “phá hủy hiện trường” và ngăn cản cuộc điều tra, bởi diễn ra ngay trước thời điểm các nhân viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đến thị trấn Douma thanh sát. Cho đến nay, những cáo buộc nêu trên vẫn vô căn cứ, song những mất mát về người và tài sản thì không thể lấy lại.
Tổng thống Nga Vladimira Putin đã lên án cuộc tấn công Syria của Mỹ là “hành động xâm lược” chủ quyền của một quốc gia khác, viện dẫn việc các chuyên gia Nga lẫn người dân địa phương đều không tìm thấy dấu vết chứng tỏ một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã thực sự diễn ra tại Douma, Đông Ghouta.
Không qua sự phê chuẩn của Quốc hội
Theo Hiến pháp Mỹ, để điều quân tấn công một nước khác, Tổng thống phải nhận được quyền ủng hộ của Quốc hội. Quyền hạn của tổng thống - tổng tư lệnh quân đội là phản ứng với việc bị tấn công, chứ không phải khơi mào tấn công. Các thành viên Đảng Dân chủ và nhiều nghị sỹ trong Đảng Cộng hòa đã nhiều lần đề nghị ông Donald Trump tìm kiếm sự đồng thuận ở Quốc hội, thể theo Hiến pháp và Nghị quyết về chiến tranh của nước Mỹ năm 1973, trước khi can thiệp quân sự vào quốc gia khác.
Vậy nhưng, ông Trump đã hai lần tự ý ra quyết định tấn công Syria mà không qua Quốc hội, trong đó có cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của quốc gia Trung Đông này bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk ngày 7/4/2017 và tiếp đến là cuộc tấn công ngày 14/4/2018. Điều này đã khiến ông Trump hứng chịu búa rìu dư luận ngay trong nội bộ nước Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ Tim Kaine thuộc Đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Quyết định tấn công Syria mà không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ của Tổng thống Trump là bất hợp pháp. Cần phải ngừng trao cho Tổng thống quyền phát động chiến tranh. Hôm nay là ở Syria, nhưng điều gì sẽ ngăn ông Trump không đánh bom tiếp ở Iran hay Triều Tiên?”.
Còn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Massie gay gắt tuyên bố: “Tôi chưa từng đọc Hiến pháp của Pháp hay của Anh, nhưng tôi đã đọc Hiến pháp của Mỹ và không có chỗ nào viết rằng, Tổng thống có quyền tấn công Syria”.
Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ tuyên bố chiến tranh là vào năm 1941. Kể từ đó, cơ quan đã sử dụng các nghị quyết để chấp nhận có hay không sử dụng vũ lực. Trước đó vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải hủy kế hoạch tấn công Syria do các nhân vật chủ chốt trong quốc hội từ chối tiến hành một cuộc bỏ phiếu ủy quyền cho tổng thống sử dụng vũ lực.
Thiếu sự ủng hộ của EU
Trên thực tế, phần lớn các quốc gia trong Liên minh Châu Âu, trong đó có Đức, Italy đều đứng ngoài cuộc trước quyết định tấn công Syria của Mỹ. Chỉ có Anh – nước đang trong tiến trình đàm phán rời khỏi EU và Pháp, tham gia phối hợp trong hoạt động quân sự này. Ông Pierre-Emmanuel Thomann, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu cho biết: “EU đã chia rẽ sâu sắc khi các thành viên không tuân thủ nguyên tắc đa phương mà họ đang nắm giữ.”
“Thật đáng tiếc khi Tổng thống Pháp Manuel Macron, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ, từng cam kết theo đuổi chính sách công bằng trong các vấn đề quốc tế giờ lại nối gót Mỹ”, ông Emmanuel Thomann nói.
Đánh giá thấp chính phủ Syria
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ chưa lường trước được sức mạnh của hệ thống phòng không Syria, trong đó có nhiều vũ khí tối tân được Nga cung cấp.
Kết quả cuộc không kích vừa qua cho thấy, hiệu suất trúng đích của tên lửa hành trình do Mỹ và đồng minh sử dụng rất thấp, hơn 30%. Trong khi số lượng tên lửa bị bắn hạ theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga là 71 trên tổng số 103 tên lửa. Bộ này cho biết, quân đội Syria đã sử dụng hệ thống phòng không Pantsir-S1 đạt hiệu quả 100%, bên cạnh đó là 112 tên lửa đất đối không đáp trả cuộc tấn công vào không chỉ căn cứ quân sự Barza, Jaramana mà còn nhiều cơ sở khác.
Như vậy, với số lượng tên lửa hành trình hạn chế và không có lực lượng không quân tham gia, Mỹ cùng đồng minh Anh, Pháp đã không thể tiến hành một chiến tổng lực và chớp nhoáng trên toàn lãnh thổ Syria như đã thực hiện với Iraq năm 2003.
Trong khi nhờ những tin tình báo do phía Nga cung cấp, các lực lượng vũ trang của Syria đã kịp thời di chuyển theo sách lược “vườn không nhà trống”, cũng như có các biện pháp nghi binh khác để bảo toàn lực lượng.
Tóm lại hiệu quả cả trên chiến trường lẫn công luận đều bất lợi cho phía Mỹ, trong khi Syria vẫn đứng vững. Giới quan sát cho rằng, với những kết quả đã đạt được, phía Syria và các đồng minh dường như đã tự tin hơn rất nhiều trong cuộc đối đầu với phe nổi dậy có sự hậu thuẫn từ Mỹ và phương Tây./.
Nguồn: VOV