Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 5/2/2009 10:14'(GMT+7)

50% mẫu sữa được kiểm tra thiếu đạm

Xét nghiệm mẫu sữa - ảnh: Ngọc Thắng

Xét nghiệm mẫu sữa - ảnh: Ngọc Thắng

Từ tháng 9-10.2008, Hội TC&BVNTDVN đã tiến hành mua ngẫu nhiên 20 mẫu sữa được bán trên thị trường TP Hồ Chí Minh. Các mẫu đã được gửi tới xét nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật 3 (TP Hồ Chí Minh) để phân tích các chỉ tiêu quan trọng với người tiêu dùng: melamine và hàm lượng đạm.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội TC&BVNTDVN cho biết: "Hàm lượng đạm là thành phần cơ bản, quan trọng với người sử dụng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu như chưa được cơ quan kiểm tra. Hoặc nếu có thì cũng với số lượng ít và chưa có công bố đến người tiêu dùng được biết". Ông Thắng cũng nói thêm: "Hằng năm, sữa là một trong những mặt hàng mà Hội nhận được nhiều khiếu nại nhất từ người tiêu dùng".

Trong số 20 mẫu sữa (được sản xuất tại 15 cơ sở có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương) do Hội TC&BVNTDVN gửi xét nghiệm, có tới 10 mẫu (50% số mẫu) không đạt tỷ lệ đạm như công bố trên nhãn hàng. Trong đó, một mẫu thậm chí không công bố cả hàm lượng đạm. Ông Thắng nhấn mạnh: "Đáng lưu ý, 6/20 mẫu (30%) có tỷ lệ đạm rất thấp (dưới 10%/100g sản phẩm). Đặc biệt, có tới 4/20 mẫu (20%) có tỷ lệ đạm cực thấp: dưới 1,2-1,6%. Thậm chí, có mẫu sữa trên nhãn công bố tỷ lệ đạm 24% nhưng thử nghiệm cho thấy chỉ đạt 0,5%".

Khi trẻ em dùng lâu dài sản phẩm sữa không đảm bảo chất lượng đạm cơ thể sẽ không được cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu, dẫn đến suy dinh dưỡng do thiếu đạm. Tình trạng này khiến trẻ tăng trưởng chậm về cân nặng, chiều cao. Nó cũng làm giảm khả năng miễn dịch, trẻ dễ nhiễm bệnh. Sản phẩm sữa rất cần được hậu kiểm với việc lấy mẫu ngẫu nhiên. Cần quan tâm kiểm tra về chất lượng với các thành phần cơ bản: đạm, béo, đường, bột cũng như một số chỉ tiêu vi sinh khác.

TS Nguyễn Thị Lâm,
Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng

Ông Hồ Tất Thắng cho biết: "Ngoài melamine, sữa còn các thành phần cơ bản rất quan trọng khác cần được đảm bảo. Các hãng sữa khi công bố chất lượng, nhà sản xuất phải nộp mẫu sản phẩm để xét nghiệm kèm theo hồ sơ. Nhưng nếu không quan tâm đến hậu kiểm, nhà sản xuất có thể đưa ra thị trường lô hàng không đúng chất lượng như đã công bố với cơ quan quản lý. Mà thực tế, như chúng tôi kiểm tra vừa rồi đã phần nào phản ánh tình trạng này".

Có một điều cũng cần nói thêm: Từ 5.10.2008, Hội TC&BVNTDVN đã có văn bản gửi tới ba bộ: Y tế, Công thương, Khoa học và Công nghệ để thông báo về kết quả khảo sát chất lượng sữa nêu trên. Tuy nhiên, chỉ Bộ Công thương có văn bản trả lời. Hai bộ còn lại, trong đó có Bộ Y tế - cơ quan chịu trách nhiệm chính về cấp phép và kiểm tra chất lượng ATVST - hiện vẫn chưa có văn bản phản hồi. Ông Hồ Tất Thắng cho rằng: "Vừa qua, có thể Bộ Y tế đã phải tập trung cho xử lý các vấn đề liên quan đến melamine. Tuy nhiên, phản ứng của cơ quan quản lý về sữa kém chất lượng là quá chậm. Các loại sữa được phát hiện có hàm lượng đạm thấp như vậy hầu như vẫn được lưu thông. Mặc dù, các mẫu sữa được lấy với số lượng ít và mới chỉ tại TP Hồ Chí Minh, nhưng với kết quả 50% mẫu không đạt hàm lượng đạm như công bố, thực sự có ý nghĩa cảnh báo về vấn đề quản lý chất lượng sữa, bảo vệ người tiêu dùng"./.
 
(Theo Thanh Niên)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất