Ngày 20/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì hội nghị cấp cao về
khủng hoảng người tị nạn toàn cầu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York
(Mỹ).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Obama thông báo đã có 50 quốc gia cam
kết tiếp nhận 360.000 người tị nạn trong năm nay, tăng gấp đôi so với
con số của năm ngoái.
Ông đồng thời cũng đánh giá cao Đức, Canada và một số quốc gia khác đã
mở cửa đường biên giới để tiếp nhận những người dân vội chạy trốn khỏi
cuộc chiến tranh tại Syria và một số cuộc xung đột khác.
Ông Obama nhấn mạnh: "Thế giới đang phải đối diện với một cuộc khủng
hoảng mất cân đối nghiêm trọng, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ hay
quay lưng lại. Đóng sập cánh cửa, bỏ mặc những gia đình này, là phản bội
lại những giá trị sâu sắc nhất của chúng ta."
Hội nghị thống nhất đặt ra ba mục tiêu cụ thể, bao gồm thuyết phục cộng
đồng quốc tế tăng 30% nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động nhân đạo trên
thế giới, từ 10 tỷ USD trong năm 2015 lên 14,5 tỷ USD trong năm nay;
Tăng gấp đôi số ca được tái định cư và tìm kiếm những con đường hợp pháp
mới để tiếp nhận người tị nạn đồng thời tăng số quốc gia chấp nhận số
lượng đáng kể người tị nạn; Tăng số người tị nạn được đến trường trên
toàn cầu thêm 1 triệu người và số người tị nạn được phép đi làm cũng
tăng thêm 1 triệu người.
Các quốc gia được mời tham dự hội nghị là những nước được đánh giá là
tạo điều kiện tiếp nhận tốt nhất cho người tị nạn, trong đó có Đức,
Jordan, Mexico, Canada, Thụy Điển và Ethiopia.
Trước thềm hội nghị, 51 tập đoàn và công ty lớn, trong đó có Facebook,
Twitter, MasterCard, Johnson & Johnson, hàng sản xuất sữa chua
Chobani đã cam kết sẽ tạo điều kiện tiếp cận giáo dục, việc làm và tài
chính cho khoảng 6,3 triệu người tị nạn đang trú ngụ tại hơn 20 quốc
gia./.
(TTXVN)