Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 18/11/2019 16:10'(GMT+7)

55 năm Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Thắng

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Thắng

Báo cáo của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học do PGS.TS. Hồ Trọng Hoài, Viện trưởng trình bày tại Lễ kỷ niệm đã nêu bật truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; đồng thời, gắn liền với sự nghiệp phát triển của Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ gay go quyết liệt, đế quốc Mỹ ngụy tạo sự kiện Vịnh Bắc Bộ để mở đường cho cuộc ném bom phá hoại miền Bắc nhằm làm suy yếu sự chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, Ban Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Khoa Chủ nghĩa Cộng sản khoa học, tiền thân của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học ngày nay. Từ đó đến nay, cán bộ, công chức, viên chức của Viện luôn nỗ lực phấn đấu dưới ngọn cờ của Đảng, được lãnh đạo Học viện trực tiếp chỉ đạo, các thế hệ của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, góp phần xứng đáng vào truyền thống quang vinh 70 năm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - mái trường Đảng được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

PGS. TS. Hồ Trọng Hoài, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học báo cáo tóm tắt kết quả 55 năm xây dựng và phát triển của Viện. Ảnh: Mạnh Thắng

Báo cáo nêu rõ, trong 55 năm qua, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đã đào tạo hàng vạn cán bộ ở tất cả các hệ, lớp, bao gồm hơn 100 lớp cử nhân chính trị (lớp B hệ tập trung) và cử nhân chuyên ngành; gần 260 lớp cao cấp lý luận chính trị (các lớp A hệ tập trung) và trên 200 lớp hệ không tập trung. Những năm gần đây, nhiều cán bộ của Viện đã tham gia giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng cho các đồng chí lớp nguồn chiến lược của Trung ương và địa phương. Từ năm 1990 lại đây, Viện đã đào tạo 25 khóa học viên cao học (không kể 2 khóa trước đó) với trên 200 học viên, 34 khóa nghiên cứu sinh với gần 150 học viên,... Trong đó, đã có nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý và trụ cột chuyên môn ở các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các cơ quan Trung ương và địa phương. Ngoài ra, Viện còn đào tạo, tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước các nước bạn, nhất là cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Trong quá trình tổ chức hoạt động giảng dạy, ngoài việc thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cũng được đổi mới. Đến nay, phương pháp dạy học tích cực đã được 100% giảng viên sử dụng khá thành thục, được học viên đánh giá cao. Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng giáo trình giáo án cũng được chú trọng và có nhiều bước tiến bộ rõ rệt. Hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước được tổ chức triển khai. Trong đó, có nhiều đề tài trực tiếp phục vụ xây dựng môn học mới, hoặc góp phần tham gia xây dựng các các công trình nghiên cứu, các văn kiện của Đảng liên quan đến những vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội khoa học; về trí thức trong thời kỳ CNH, HĐH; về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam; về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn... Đặc biệt, một số đề tài cấp Nhà nước mang tầm cỡ và ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, như: Nhận thức về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam, đã phục vụ trực tiếp cho việc soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng; năm 2019, có 2 báo cáo kiến nghị và chủ trì nghiên cứu 3 đề tài cấp Nhà nước phục vụ công tác xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng,... Đây là những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của đất nước và một số nước bạn tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời, góp phần tích cực trong quá trình hoàn thiện lý luận khoa học về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Phát biểu chào mừng tại Lễ Kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện ghi nhận và biểu dương những đóng góp xuất sắc của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và đất nước, cho các đảng bạn và nước bạn trong 55 năm qua; đồng thời, bày tỏ sự vui mừng nhận thấy, thời gian gần đây, Viện đã tích cực triển khai nhiều hướng đổi mới trong công tác giảng dạy, nhất là đổi mới phương pháp dạy học tích cực và nghiên cứu khoa học chuyên sâu, như: Lý luận dân tộc và quan hệ dân tộc; kết hợp với Quỹ Rosa Lucxemburg (CHLB Đức) nghiên cứu về Sự tham chính của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số; tham gia với Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ NN&PTNT tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM,... Đây là những vấn đề mới, trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá cao việc Viện cho ra mắt Tạp chí chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội – Lý luận và thực tiễn. Có thể nói, đây là tạp chí chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học duy nhất ở Việt Nam, bước đầu đã được bạn đọc đồng tình ủng hộ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng bày tỏ, những thành tích của Viện đạt được là to lớn, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, trước yêu cầu phát triển mới, toàn diện trên toàn hệ thống Học viện, tập thể lãnh đạo, cũng như toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học cần có sự nỗ lực to lớn hơn nữa để từng bước khắc phục các hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển, đáp ứng tình hình thực tiễn đặt ra. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ: Thứ nhất, Viện cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập... Coi đây là yêu cầu hết sức quan trọng song cũng đầy khó khăn, nhất là trong nhiệm vụ khắc phục tình trạng “lười học lý luận chính trị”. Thứ hai, cần phát huy vai trò của một Viện khoa học chuyên ngành, có khả năng thực hiện những đề tài nghiên cứu lớn, có giá trị lý luận, thực tiễn đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và phục vụ công tác nghiên cứu lý luận của Đảng. Thứ ba, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác xây dựng Đảng; đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ kế cận có đủ năng lực, phẩm chất, tư tưởng đáp ứng yêu cầu phát triển của Viện và của Học viện trong tình hình mới.

Nhân dịp kỷ niêm 55 năm thành lập, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đã được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Thay mặt Đảng và Nhà nước đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện đã trao Cờ cho tập thể lãnh đạo của Viện.

Trước đó, thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện, đã diễn ra Hội thảo "Những nhân tố xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại" với sự tham gia của nhiều nhà khoa học các thế hệ trong và ngoài Học viện./.

Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm:

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, thay mặt Đảng và Nhà nước trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể lãnh đạo Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học. Ảnh: Mạnh Thắng

Các đại biểu làm lễ chào cờ. Ảnh: Mạnh Thắng

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Thắng

Quang cảnh Lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Thắng

PV

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất