Thứ Bảy, 9/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 7/11/2019 15:41'(GMT+7)

Hà Tĩnh: Lồng ghép giao ban báo chí và Tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp người làm báo”

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị - Tọa đàm. (Ảnh: Phan Mai Linh)

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị - Tọa đàm. (Ảnh: Phan Mai Linh)

Hội nghị có sự tham gia của Thường trực Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan; các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, người phát ngôn các địa phương cấp huyện trong tỉnh.

 Cùng với những nội dung đánh giá kết quả hoạt động của công tác báo chí trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Qua đó đưa ra những ý kiến đề xuất, kiến nghị liên quan đến rà soát lại việc thực hiện các quy định về trách nhiệm, đạo đức của người làm báo trong quá trình tác nghiệp, tiếp xúc với cơ sở, với doanh nghiệp, với người dân; nêu giải pháp giúp mỗi cán bộ, phóng viên và các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả hơn, giữ vững "thương hiệu" báo chí Hà Tĩnh trong nền báo chí quốc gia.

Tại nội dung giao ban công tác báo chí, đánh giá về những hoạt động báo chí trên địa bàn, đại diện cơ quan chức năng nêu rõ: bên cạnh việc tuyên truyền kịp thời, đầy đủ hoạt động của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực, thời gian qua, trên mặt báo vẫn còn nhiều thông tin vụn vặt, trùng lặp; ít có các bài viết mang tính định hướng lớn, tính dự báo; vẫn có hiện tượng một số phóng viên “săn tin” trên mạng xã hội khi chưa kiểm chứng tính chính xác hoặc đưa các thông tin mang tính võ đoán, gây hoang mang trong dư luận; trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số trang web đưa nhiều thông tin sai sự thật; một số địa phương, đơn vị thiếu quan tâm phản hồi và cung cấp thông tin cho báo chí…

Tại nội dung Tọa đàm, ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các cơ quan báo chí và đại biểu tập trung vào một số vấn đề:

Một là, đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn đối với báo chí. Tuy nhiên, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra gay gắt như hiện nay. Sự xuống cấp đạo đức, đánh đổi các lợi ích cá nhân trong hoạt động báo chí của một số phóng viên, cộng tác viên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của những người làm báo chân chính.

Hai là, trên thực tế, một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, một số báo đã đưa những thông tin thiếu chính xác - “thổi phồng", "bóp méo sự thật; vẫn còn không ít sản phẩm báo chí sa vào giật gân, câu khách, kích thích thị hiếu tầm thường.

Ba là, vẫn còn tình trạng có những ấn phẩm báo chí sa vào xu hướng “đánh đấm” nhiều hơn là cổ vũ cái hay, cái tốt, khắc hoạ những mô hình, điển hình và đưa ra giải pháp mang tính xây dựng. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để.

Bốn là, Mặc dù có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính, cơ bản, chủ yếu dẫn đến những sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo; phông kiến thức nói chung và kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí của một số nhà báo còn hạn chế; vai trò của người đứng đầu một số cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản chưa được phát huy, thiếu sâu sát trong công tác giám sát, buông lỏng trong quản lý, thiếu kiên quyết khi xử lý sai phạm....

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí vừa phải tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, vừa phải tuyên truyền đấu tranh và tự đấu tranh để làm trong sạch chính đội ngũ của mình.  Theo đó, để góp phần xây dựng đội ngũ những người làm báo Hà Tĩnh vừa “hồng” vừa “chuyên”, xứng đáng chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan quản lý báo chí; cơ quan chủ quan, cơ quan báo chí; cấp ủy, chính quyền, người phát ngôn của tỉnh, huyện, thị xã và bản thân mỗi người làm báo trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, Hội Nhà báo tỉnh cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ hội viên, phóng viên trên địa bàn. Phát huy hiệu quả Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo để vừa đảm bảo quyền lợi của hội viên, phóng viên, nhưng vừa xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá việc thực hiện những quy định liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí. Tăng cường tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt việc cung cấp, phản hồi thông tin cho báo chí, góp phần giúp các báo phản ánh sự việc đảm bảo khách quan, toàn diện, chính xác. Tổ chức tập huấn về nội dung này; phê bình kịp thời đối với các địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, sàng lọc các thông tin vi phạm pháp luật. Tăng cường đưa các thông tin chính thống lên mạng xã hội, trên báo chí để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, định hướng thông tin dư luận, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo sự ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh.

Ba là, đối với mỗi cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, cần quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, biên tập viên, xử lý nghiêm những trường hợp cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, đồng thời khen thưởng kịp thời những cá nhân hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên mặt trận tư tưởng, có những bài viết tốt bác bỏ những nội dung xuyên tạc, gây bất ổn trong dư luận xã hội, tích cực đấu tranh lên án, ngăn chặn xu hướng thương mại hóa báo chí, xuất bản, làm sai tôn chỉ, mục đích, đi chệch định hướng tuyên truyền, cổ động. Các cơ quan báo chí cần nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, chủ động thông tin phê phán, phản bác sắc bén những luận điệu sai trái, khuynh hướng tiêu cực, đập tan những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Các cơ quan báo chí cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan nhằm bảo đảm đời sống, thu nhập cho lực lượng lao động trong lĩnh vực báo chí. Nâng cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí; luôn nêu gương tích cực trong việc giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Bốn là, mỗi người làm báo cần  tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị; thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và các quy định hiện hành.

Năm là, các địa phương, đơn vị và người đứng đầu các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn. Xử lý tốt công tác cung cấp thông tin và phản hồi các vấn đề báo chí nêu. Kiên quyết không lợi dụng báo chí để thực hiện ý đồ cá nhân, gây chia rẽ trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Không để các thế lực thù địch lấy lý do để để xuyên tạc, chia rẽ từ bên trong. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm từ các phóng viên, cộng tác viên báo chí đến liên hệ công tác cần có bằng chứng và báo cáo với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý kịp thời, triệt để./.

Phan Mai Linh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh                                                                                              

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất