Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 26/10/2008 21:53'(GMT+7)

“5678 bước chân quanh Hồ Gươm”

Ảnh : Tamtay.vn

Ảnh : Tamtay.vn

“...Với diện tích 12ha, chu vi là 1.820m, bằng 1/3 hồ Tây, nhưng hồ Hoàn Kiếm đã chứng kiến những thăng trầm của Long Đỗ, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành và Hà Nội. Tôi có thể chắc chắn rằng, không một nơi nào trên đất Việt Nam, trong một khoảng không gian không lớn lại thấm đẫm lịch sử, huyền thoại như hồ Hoàn Kiếm...”.

Mở đầu cuốn sách “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, tác giả đã “phi lộ” như thế trước khi dẫn dụ người đọc cùng đi hơn năm ngàn bước chân quanh Hồ Gươm, bắt đầu từ tượng Lý Thái Tổ, vị Vua có công sáng lập Thăng Long, lan man những chuyện quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Điều dễ nhận thấy là Nguyễn Ngọc Tiến đã tạo cho mình một giọng kể chuyện vừa mực thước, vừa duyên dáng, hóm hỉnh, có sức lôi cuốn độc giả. Từ chuyện xa xưa ghi trong sử sách, những cứ liệu đã trở thành quen thuộc, bất ngờ là sự liên tưởng tới những sự kiện, những con người của ngày hôm nay. Ví như chuyện xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tổ. Dĩ nhiên là có phần nói về thân thế, sự nghiệp của Lý Công Uẩn và sự kiện lịch sử dời đô từ Hoa Lư lên thành Đại La. Tới chuyện thành phố mở cuộc thi sáng tác mẫu tượng Lý Công Uẩn. Chuyện nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh ở Ý Yên, Nam Định được tín nhiệm giao trọng trách đúc tượng trong suốt 55 ngày đêm. Chuyện chọn vị trí đặt tượng ở vườn hoa Chí Linh, chuyện chính quyền thành phố làm lễ khánh thành công trình... Bên cạnh đó, trong 14 trang tác giả còn “lan man” bao nhiêu là chuyện, nào là chuyện sự tích vườn hoa Chí Linh bây giờ, đi ngược lại lịch sử xa xưa, khu vực này là gì? Mỗi chuyện một “sự tích”, có sách, có chứng. Đọc khá lý thú.

Hoặc chuyện “Những gương mặt thị trưởng” thành phố cũng vậy. Thời Nguyễn Ánh, Tổng trấn Bắc thành đầu tiên là Nguyễn Văn Thành, thời Minh Mạng là tổng đốc Nguyễn Văn Hiếu, thời Tự Đức là Tuần phủ Trần Bích San tuổi trẻ tài cao. Tổng đốc Hoàng Diệu bất khuất không chịu hàng giặc, tuẫn tiết trong Võ Miếu... Đầu năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm bác sĩ Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội. Cụ Lai là người khí phách kiên cường, một lòng ủng hộ kháng chiến. Tiếp quản Thủ đô năm 1954, bác sĩ Trần Duy Hưng được đích thân Bác Hồ bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội đã mời cụ Trần Văn Lai làm phó Chủ tịch. Tác giả cũng dành nhiều trang ngợi ca bác sĩ Trần Duy Hưng…

Vòng quanh Hồ Gươm hơn năm nghìn bước chân cùng Nguyễn Ngọc Tiến, nghe anh rủ rỉ kể những di tích văn hoá, lịch sử. Chuyện từ đền Báo Ân đến Bưu điện Hà Nội, về Đền Ngọc Sơn, chuyện cụ Rùa, từ Nhà hàng Goddard đến Bách hoá tổng hợp... Thú vị hơn khi nghe kể những chuyện về các nhân vật ven hồ, từ người may comple cho các chính khách, nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, người Việt chơi đồ cổ đầu tiên ở Hà Nội… đến những thân phận bình dân thường có mặt nơi đây, như bà già xem bói, người bán nước chè, ông tẩm quất… đến những chuyện “một thời vang bóng” như xẩm Bờ Hồ, tàu điện, phở Thìn và những chuyện về phở, cải lương Hà Nội... Chuyện nào cũng đầy ắp chi tiết, chi tiết từ trong sách sử, từ “nhớ và ghi” qua lời người khác, đến những chuyện mà bản thân tác giả là nhân chứng. Những hồi ức, kỷ niệm thuở ấu thơ, thời sinh viên được tác giả đưa vào một cách ngọt ngào tăng thêm thi vị cho người đọc. Liên tưởng từ xa xưa đồng thời cập nhật những thông tin mới nhất. Chất tân văn báo chí thấm đẫm từng trang viết. Nhiều chuyện đời thường như bức tranh hoạt kê thú vị. Tất cả đều sống động, chân thực, đầy sắc thái biểu cảm./.

(Theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất