Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Bảy, 4/10/2008 23:17'(GMT+7)

Những câu thơ viết ra từ nỗi buồn, vui, nỗi đau của chính mình

Tôi biết anh những ngày còn ở Nha Trang. Đêm mưa, lội nước tìm đến nhà thơ Giang Nam-lúc ấy làm Phó Chủ tịch văn xã Khánh Hoà, thuyết phục đặt văn phòng đại diện cho báo Văn nghệ ở vùng Nam Trung bộ. Năn nỉ với một anh kiến trúc sư có tài mỗi ngày làm mười bài thơ tình và hy sinh vài chục xăng ti mét vuông trên Tạp chí Nha Trang và Văn nghệ để có được một căn hộ quay ra mặt tiền trên con đường ra Tháp bà Pônaga bây giờ làm trụ sở cho Văn phòng đại diện báo Văn nghệ.

Những đêm nằm trong căn phòng cũ của nhà Mai-Quốc, được biến thành phòng của một ông Trưởng phòng hành chính và sau này là Phó Tổng biên tập báo, khi ngủ tắt đèn là đám chuột cống leo lên bụng, gặm ngón chân nghe anh kể chuyện những ngày làm lính B3. Đất rừng Tây Nguyên khắc nghiệt lắm. Bom đạn nhiều. Địch lại cứ nhè chỗ nào có bộ đội chủ lực, Bộ chỉ huy miền đóng quân mà nã bom pháo tới. Suốt 12 năm trời từ những năm 1965 đến ngày giải phóng, anh lính Trương Vĩnh Tuấn đầu quân cho phân đội tình báo kỹ thuật, suốt đêm ngày mò mẫm trên các kênh sóng vô tuyến điện giăng mắc khắp bầu trời để tìm ra những bí mật quân sự của địch, báo cáo cho chỉ huy. Các tố chất của một người yêu thơ và làm thơ vẫn không mất đi trong anh, để một ngày cứ tập nọ nối tiếp tập kia ra đời. Hết thơ cho con trẻ lại đến thơ cho người lớn. Những bài thơ dành cho người lớn, thế hệ cùng thời với anh luôn bị ám ảnh không khí nặng nề của chiến trường, của mùi áo lính, của đất rừng. Có lần anh bảo tôi đó là căn bệnh “Hội chứng rừng!”

Một lần anh ốm phải đi viện. Khi tôi biết tin đến thăm chơi, anh đã ra viện rồi. Chỉ bảo: “Cậu phải ốm một trận vào viện mới biết nhân dân mình sống ra sao!”. (Anh có biết đâu tôi cũng có lần ốm thập tử nhất sinh, ra vô cái vòm cổng hình ô van, rêu phong rỉ mốc ấy!). Còn cái chuyện chở con đi học, anh bố nào có con nhỏ chả bị vợ sai chở con đi học… để đóng tiền! Trương Vĩnh Tuấn đọc ngay cho tôi nghe bài thơ Nhân Dân. “Hãy đi viện một lần/ để hiểu thế nào là nhân dân/ Hãy đưa con đến trường /để biết thế nào là con chữ/ hãy ra chợ để thương những người vợ/ cầm đồng lương chúng ta mang về…” Nhân dân trong con mắt của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn và hàng triệu triệu trái tim những người lính ra trận luôn cao thượng, đẹp đẽ. Đấy là những ngưòi thợ, anh nông dân ngày đêm ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước “để bảo vệ chế độ cộng hoà/ thóc không thiếu một cân/ quân không thiếu một người/… tiễn con ra mặt trận/ để rồi đời này truyền đời khác/… Thu hẹp phần mộ tổ tiên/cho cuộc hồi sinh tổ quốc/ bỏ qua những điều thua được/ sợ thò tay bóp nát trái tim mình”. Hơn 63 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, hay đọc những lời hiệu triệu nhân dân đánh giặc, giữ nước, cái khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, mong cho mỗi người dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành, đẩy lùi tật bệnh… luôn cháy bỏng trong tâm đức của Người… Hình như những mong muốn ấy của Bác, đâu đó vẫn chưa làm tròn. Nó trở thành niềm day dứt, nỗi đau trong tâm hồn của người nghệ sĩ.

Biết bao nhiêu những giá trị chuẩn mực đạo lý đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cốt cách con người Việt Nam ngàn đời, nhưng trong cơn bão lốc của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, văn hoá và phản văn hoá lẫn lộn, song hành đang bào mòn, chuyển đổi các giá trị. Những anh lính trở về sau chiến tranh, bằng mọi ngả đường, bằng nhiều cách vẫn phải sống, phải trở thành con người bình thường và té ngửa ra nhiều điều “cuộc đời không phải chỉ như vậy!”. Và anh hỏi ngọn lá trong đêm “Cớ sao mà xanh vậy/ mà cuộc đời cứ bạc trắng như vôi”. Đừng có vội vàng quy kết nhà thơ, bi quan, ngã lòng, tiêu cực. Tôi vẫn còn nhớ, có lần nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khuyên nhủ tôi, sau buổi đến thắp hương nhà văn Nguyễn Đình Thi 49 ngày: “Sau cuộc chiến tranh, mình còn sống được là may mắn lắm rồi, em ạ!”. Đừng bao giờ nghĩ cái anh lính thông tin chui ra từ căn hầm kèo chữ A, đã bị bom đánh sập là kẻ hèn nhát! Bởi một điều giản dị, người lính ấy đã chuẩn bị sẵn cho mình một tư thế chết. “Nếu tôi có mệnh hệ nào/ xin đừng đưa tôi đến đó/ Tôi không muốn nghe bản nhạc buồn đã ru triệu linh hồn/ tôi ao ước trong một căn phòng nhỏ/ Đôi mắt tròn đang ngóng đợi trăng lên”, bởi anh đã quá quen, nhàm chán và không tránh khỏi cái cảnh “Nhưng tôi chắc thế nào họ cũng đưa tôi đến đó/ lại những vòng hoa vàng trắng đỏ sơ sài/ lại dòng điếu văn sụt sùi nức nở/ chôn tôi xong họ thanh thản uống bia hơi…/” Bi kịch! biết mà không tránh khỏi, anh Tuấn ơi!

61 bài thơ cho tập “Tôi ấy mà” của Trương Vĩnh Tuấn, sự hay dở “đỉnh cao” hay “đỉnh thấp”, “đỉnh ngang ngang” xin để cho các nhà lý luận, phê bình. Tôi đọc và chia sẻ với anh như một người đồng nghiệp và đồng cảm. Có người yêu anh và cũng có người không ưa anh. Yêu ghét là chuyện của muôn đời. Nhưng tự trong sâu thẳm, xúc cảm thơ của anh vẫn là xúc cảm của một người lính đi qua chiến tranh, viết ra từ nỗi buồn, vui, nỗi đau của chính mình và đồng đội./.
Đỗ Kim Cuông

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất