(TG) - Hội nghị tập trung 5 chủ đề chính: Móng cho nhà cao tầng; Công trình
ngầm trong đất yếu; Cải tạo nền đất yếu cho công trình hạ tầng; Công tác
Quan trắc - thiết bị cho công trình và hố đào; Mô hình hoá các bài toán
địa kỹ thuật và phương pháp số.
"Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững" (GEOTEC Hà Nội 2013) là chủ đề Hội nghị diễn ra trong hai ngày 28 - 29/11 tại Hà Nội được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON (Việt Nam), Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình - VSSMGE (Việt Nam) phối hợp với Viện công nghệ Châu Á- AIT (Thái Lan) dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Việt Nam là nước nằm
trong khu vực địa lý có nhiều đe doạ về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt
điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề
không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình
trên toàn quốc. Do vậy, đối với mỗi loại công trình, việc lựa chọn giải pháp nền
móng cho kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ của các nhà khoa học,
các nhà làm chuyên môn là phải tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, ứng
dụng công nghệ phù hợp để thực thi giải pháp, nhằm mục tiêu cùng một lúc thoả mãn
2 tiêu chí an toàn bền vững với giá thành thấp nhất.
Hội nghị năm nay có khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế tới tham dự. GEOTEC Hà Nội cũng đón nhận 6 bài giảng chuyên sâu trong lĩnh vực Địa kỹ thuật của những giáo sư hàng đầu trên thế giới như giáo sư Sven Hansbo (Thụy Điển); giáo sư Neil Taylor (Anh), giáo sư Rolf Katzenbach (Đức); giáo sư Fumio Tatsuoka (Nhật), giáo sư Helmut Schweiger (Áo), giáo sư Kenichi Soga (Anh).
Hội nghị năm nay đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia địa kỹ thuật làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty tư vấn thiết kế và xây dựng, trong và ngoài nước; đến nay Ban Khoa học của Hội nghị đã nhận được 110 báo cáo hoàn chỉnh từ 23 quốc gia trên thế giới. Từ những báo cáo này, Hội đồng khoa học của hội nghị đã tuyển chọn ra 60 báo cáo có chất lượng cao để trình bày trực tiếp tại hội nghị, trong đó có 21 báo cáo trong nước và 39 báo cáo nước ngoài.
Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học quốc tế, các nhà tư vấn thiết kế cùng các nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận về các vấn đề xây dựng nói chung, địa kỹ thuật nền móng, công trình ngầm nói riêng chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm và những thành tựu công nghệ liên quan đến thiết kế, xây dựng nền móng và cơ sở hạ tầng để đạt mục tiêu bền vững cho các loại công trình.
Ông Phạm Việt Khoa, Tổng giám đốc công ty cổ phần kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Hội nghị sẽ đem lại một cái nhìn tổng quan về thực tại phát triển của Khoa học Địa kỹ thuật trong nước và thế giới, nhờ đó định hướng cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho phát triển ngành khoa học này một cách thiết thực, đồng thời, giúp các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ cấp tiến để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặt ra của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các báo cáo được tuyển chọn để trình bày sẽ tập trung vào 5 chủ đề quan trọng của lĩnh vực Địa kỹ thuật như: móng cho nhà cao tầng; công trình ngầm trong đất yếu; cải tạo và gia cố nền đất cho công trình hạ tầng; công tác quan trắc và thiết bị cho công trình ngầm và hố đào; mô hình các bài toán địa kỹ thuật và phương pháp số. Thông qua hội nghị, Ban tổ chức mong muốn những vấn đề còn tồn tại về địa kỹ thuật chưa được giải quyết sau hội nghị sẽ tiếp tục được thảo luận và làm sáng tỏ, từ đó cung cấp cái nhìn toàn diện hơn, thực tế hơn về mối liên hệ giữa ngành địa kỹ thuật nói riêng và ngành xây dựng nói chung với mục tiêu phát triển bền vững.
Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON là một trong những nhà thầu chuyên nghiệp tại Việt Nam về nền móng công trình và công trình ngầm, đồng thời cũng là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng các công nghê tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực địa kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sự phát triển bền vững của các công trình. Các công nghệ như công nghệ sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực cường độ cao và công nghệ xử lý nền bằng cố kết chân không mà FECON đang triển khai áp dụng tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao của khách hàng, chủ đầu tư, tổng thầu về cả mặt kinh tế kỹ thuật và chất lượng thị công, góp phần đưa FECON trở thành một thương hiệu uy tín trong ngành xây dựng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ GEOTEC Hà Nội 2013, một không gian triển lãm cũng đã được thiết lập với 35 gian hàng triển lãm của 33 Công ty đến từ 16 nước trên thế giới. Các Công ty mang đến triển lãm các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về sản xuất, thi công các dự án nền móng và công trình ngầm./.
Không gian triển
lãm tại Hội thảo
Tin, ảnh: Vân Khánh