Thứ Bảy, 30/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 29/11/2013 13:46'(GMT+7)

Việt-Anh hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình

Ông Lê Ðình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH-CN (trái) và ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam trao văn bản ký ghi nhớ. (Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN)

Ông Lê Ðình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH-CN (trái) và ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam trao văn bản ký ghi nhớ. (Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN)

Chiều 28/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến và Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Phát biểu tại Lễ ký, Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh, chính sách nhất quán hàng đầu của Việt Nam là coi đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam coi trọng và mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland có nhiều kinh nghiệm thành công trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bao gồm cả phát triển, xây dựng, vận hành, bảo trì, tháo dỡ, quản lý an toàn các nhà máy điện hạt nhân.

Việc ký Bản ghi nhớ này sẽ tạo cơ sở để triển khai các chương trình, dự án hợp tác cụ thể sau này giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Đại sứ Antony Stokes cho biết, Vương quốc Anh và Việt Nam đều nhận thấy sự cần thiết phải xem xét các nguồn năng lượng đảm bảo tính bền vững của môi trường, an toàn, an ninh và tiết kiệm chi phí, trong đó có điện hạt nhân, đáp ứng nhu cầu nhân dân mỗi nước. Bản ghi nhớ khẳng định sự chú trọng của Vương quốc Anh trong việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình về nguồn năng lượng quan trọng này với Việt Nam.

Theo bản ghi nhớ, các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên bao gồm hợp tác pháp quy hạt nhân, xây dựng cách tiếp cận pháp quy và Cơ quan Pháp quy, Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật (TSOs); giáo dục và đào tạo tăng cường năng lực nguồn nhân lực; hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển đối với nhà máy điện hạt nhân dân sự, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ để phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng bao gồm dịch vụ hợp tác kỹ thuật về chu trình nhiên liệu hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân còn có các hình thức hợp tác khác do các bên tham gia cùng quyết định như cơ hội thương mại liên quan đến cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tư vấn tài chính, thông tin-truyền thông công chúng và ứng phó sự cố hạt nhân...

Hai bên sẽ hợp tác theo các hình thức như trao đổi thông tin, tài liệu khoa học và kỹ thuật; trao đổi và đào tạo cán bộ (thực tập, nghiên cứu sinh, sinh viên đại học và sau đại học...); tổ chức hội nghị và hội thảo; cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật có liên quan; xây dựng các dự án nghiên cứu chung; các hình thức hợp tác khác có thể do các bên tham gia đồng thuận cùng quyết định.

Năm 2010, Chính phủ hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó khoa học và công nghệ là một trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai quốc gia.

Thời gian qua, hợp tác khoa học và công nghệ nói chung và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói riêng giữa hai nước đã có những chuyển biến tích cực.

Hai nước đã hợp tác triển khai một số dự án nghiên cứu, trong đó đã triển khai thành công giai đoạn đầu dự án “Giải mã gen một số giống lúa bản địa Việt Nam” với việc giải mã hoàn chỉnh hệ gen đầy đủ 36 giống lúa; thành lập Phòng thí nghiệm liên ngành y sinh-hóa dược-hợp chất thiên nhiên, đặt tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Vương quốc Anh đã có nhiều hỗ trợ Việt Nam như đào tạo cán bộ khoa học công nghệ; tổ chức hội thảo khoa học trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, công nghệ sinh học, y dược./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất