(TG) - Sáng ngày 9/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2018
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT GÓP PHẦN GIỮ VỮNG, THẮT CHẶT NIỀM TIN GIỮA VĂN NGHỆ SĨ VỚI NHÂN DÂN
Nhìn lại bức tranh hoạt động văn học nghệ thuật năm 2018, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh:Giới văn học nghệ thuật đã cống hiến cho xã hội, đất nước nhiều sản phẩm quan trọng. Đặc biệt, văn học nghệ thuật góp phần ổn định tình hình đất nước, giữ vững, thắt chặt niềm tin giữa văn nghệ sĩ với nhân dân.
Khuynh hướng sáng tác, phát triển văn học nghệ thuật gắn với đời sống tiếp tục phát triển lành mạnh, đúng hướng. Chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật địa phương được nâng lên, khoảng cách chất lượng giữa các tác phẩm của hội viên Hội Văn học nghệ thuật địa phương với các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã được thu hẹp. Đáng mừng là, qua đại hội các hội văn học nghệ thuật vừa qua cho thấy sự chuyển giao giữa các thế hệ rất đầm ấm, tin tưởng, trách nhiệm, đoàn kết. Năm 2018, giới văn học nghệ thuật cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến sự tồn tại, đổi mới phương thức hoạt động. Tuy vậy, hoạt động văn học nghệ thuật, các hội từ Trung ương đến địa phương vẫn giữ được tinh thần chủ động, say mê, có tính trách nhiệm cao với công việc sáng tạo. Nhiều tác phẩm mới được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều cuộc hội thảo lớn đã được tiến hành.
65 TÁC PHẨM XUẤT SẮC NHẬN GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 2018
Năm 2018 có 57/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố, 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương gửi tác phẩm dự Giải thưởng Văn học nghệ thuật. Ban Tổ chức đã nhận được gần 350 tác phẩm, trong đó có 10 tác phẩm có giá trị xuất sắc của các hội chuyên ngành.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã quyết định trao 10 giải thưởng cho tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 55 giải thưởng cho các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật địa phương (gồm: 1 giải A; 7 giải B; 17 giải C; 26 giải Khuyến khích và 4 giải cho Tác giả trẻ).
Trong đó, giải thưởng dành cho tác giả là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương được trao cho các tác giả, nhóm tác giả: Trần Trương - tập thơ “Nhặt lại tháng ngày rơi”; Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt; đạo diễn Lê Nguyên Đạt - vở cải lương “Tổ quốc - nơi cuối con đường”; đạo diễn Lộc Trần - Kay Nguyễn - phim “Cô Ba Sài Gòn”; Nguyễn Hữu Thông và nhóm tác giả- sách nghiên cứu “Tượng thờ Hindu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt”; Bùi Văn Chung - bộ ảnh “Vị ngọt Cửu Long”; nhạc sĩ Vũ Thiết, nhà thơ Mai Hương - bản romance “Phía cuối con đường”; Vũ Xuân Tửu - tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng”; Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Từ, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Văn Hiền, nhạc sĩ Xuân Huy - thơ múa “Mắt lưới”; Ban Lý luận phê bình và Viện Kiến trúc - sách “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam”; ngành Phê bình Hội Mỹ thuật Việt Nam - sách “70 năm Mỹ thuật Việt Nam (1945-1954)".
55 giải thưởng dành cho hội viên các Hội Văn học nghệ thuật địa phương bao gồm: 1 giải A thuộc về tác giả Lò Văn Hợp (Đồng Nai) với tác phẩm ảnh “Chung sức”; 7 giải B, với 3 giải văn học: Trần Quốc Cưỡng (Phú Yên) - tập truyện ngắn “Ngựa trắng”, Mai Văn Tý (Sơn La) - tập thơ “Vân đá”, Nguyễn Mạnh Quỳnh (Ninh Bình) - sách lý luận phê bình “Thời gian giả trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng”; 1 giải văn nghệ dân gian: Hoàng Biểu (Lạng Sơn) - sưu tầm, biên dịch sách “Khỏa quan của người Tày ở Lạng Sơn”; 1 giải ảnh: Nguyễn Tuấn Vũ (Yên Bái) - “Chiều về bản”; 1 giải sân khấu: Nguyễn Trung Thứ (Vĩnh Phúc) - tuyển tập kịch “Ngộ độc lương tâm”; 1 giải âm nhạc: Vĩnh Lộc (Bình Thuận) - ca khúc “Tổ quốc tôi yêu”.
Ngoài ra, còn có 17 giải C, 26 giải Khuyến khích và 4 giải dành cho tác giả trẻ cũng đã được công bố và trao trong dịp này.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam:
"Năm nay số lượng Hội Văn học nghệ thuật địa phương tham gia đạt cao nhất trong 20 năm qua. Các tác phẩm ở địa phương có bước đột phá, tươi mới về đề tài và cách thể hiện. Đặc biệt, nhiều cuốn tiểu thuyết đã đề cập đầy trách nhiệm đến những vấn đề của đời sống hiện nay, như phòng chống tham nhũng, thiết lập kỷ cương, củng cố niềm tin, xây dựng đất nước"
Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam:
"Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018 đã lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Các tác phẩm của tác giả thuộc các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố vẫn duy trì, đi theo khuynh hướng truyền thống. Các tác giả trẻ thể hiện có tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống, truyền thống đạo lý của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm bám sát đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Mỗi chuyên ngành văn học nghệ thuật có những đặc thù riêng, chất lượng giải thưởng các chuyên ngành năm 2018 cũng thể hiện ít nhiều tính riêng biệt đó"
|
Nhật Minh