Từ thực tế đó, quan điểm của nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng, cấu trúc phổ biến của khái niệm “TLGD” có thể xem gồm 5 thành tố. Trong đó, sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc còn mục tiêu giáo dục là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối 3 thành tố còn lại là nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, nguyên lý giáo dục. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một khung tư tưởng triết lý trong luật giáo dục. Theo đó, nên tách riêng một chương nói về tư tưởng triết lý, có thể đặt tên là “mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục”.
Thảo luận tại tọa đàm, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, theo thông lệ quốc tế, nhìn chung không có quy định về TLGD trong bất kỳ văn bản pháp quy nào. Vì vậy, không cần có quy định về TLGD trong Luật Giáo dục sửa đổi. Thay vào đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về mục tiêu, tính chất, định hướng phát triển giáo dục để thể chế hóa một cách phù hợp TLGD Việt Nam trong bối cảnh mới. PGS-TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng nêu quan điểm không nên đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi một chương với tên cụ thể là TLGD, vì dễ gây ra tranh luận. Tuy nhiên, vẫn cần thể hiện trong luật TLGD của Việt Nam.
LÂM NGUYÊN/SGGP