Theo Nghị định quy định tiền lương tăng
thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực
lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, người có hệ số lương
từ 2,34 trở xuống được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng
(gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân
mức lương cơ sở), cụ thể: Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = Hệ số
lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x Mức lương cơ sở 1.150.000
đồng/tháng x 8%.
Nghị định có hiệu lực từ 6/4/2015.
Nâng mức trợ cấp người có công với cách mạng
Theo Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ
cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực từ 1/4/2015,
mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có
công với cách mạng tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.
7 đối tượng được miễn, giảm giá vé tàu
Theo Nghị định số 14/2015/NĐ-CP có hiệu
lực từ 15/4/2015, có 7 đối tượng chính sách xã hội được hưởng chế độ
miễn, giảm giá vé đi tàu gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày
1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi
nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng
chính sách như thương binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất
độc hóa học; Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; Trẻ
em dưới 6 tuổi.
Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn
vị sự nghiệp công lập quy định các nguyên tắc, quy định chung về cơ chế
tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào
tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền
thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp
khác.
Đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính.
Nghị định có hiệu lực từ 6/4/2015.
Tiêu chuẩn danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân", Nhà giáo Ưu tú"
Theo Nghị định quy định về xét tặng danh
hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, một trong những tiêu chuẩn
xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” là đã 7 lần được tặng danh hiệu
“Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 7 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng
viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 7 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua
cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền
kề năm đề nghị xét tặng; 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp
tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 1
lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.
Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” được xét
tặng cho các đối tượng đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” và
đạt các tiêu chuẩn cụ thể như: Đã được 1 lần tặng danh hiệu “Chiến sĩ
thi đua” cấp tỉnh, bộ hoặc giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ;
được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên (riêng đối với giáo
viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có 2 lần được tặng Bằng khen cấp
tỉnh, bộ trở lên); nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy
từ 20 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong
ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy,
giảng dạy;...
Nghị định có hiệu lực từ 25/4/2015.
6 bản chính giấy tờ, văn bản không được chứng thực bản sao
Theo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc,
chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp
đồng, giao dịch, có 6 bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ
sở để chứng thực bản sao gồm:
1- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
2- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
3- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
4- Bản chính có nội dung trái pháp luật,
đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã
hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm
danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công
dân.
5- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp
hóa lãnh sự theo quy định.
6- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2015.
5 điều kiện lựa chọn dự án theo hình thức đối tác công tư
Theo Nghị định về đầu tư theo đối tác
công tư có hiệu lực từ 10/04/2015, dự án được lựa chọn thực hiện theo
hình thức đối tác công tư phải đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện:
1- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2- Phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định.
3- Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư.
4- Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
5- Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở
lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu
hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất
gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nghiêm cấm cho mượn chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề
quản lý, thanh lý tài sản có hiệu lực từ 6/4/4015, nghiêm cấm Quản tài
viên cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ
hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài
sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ
người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để
thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo
quy định của pháp luật; Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với
cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi...
Một số dự án phải đánh giá tác động môi trường
Theo quy định tại Nghị định
18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi
trường có hiệu lực từ 1/4/2015, tất cả các dự án xây dựng hạ tầng kỹ
thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất,
khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung
khác... đều phải đánh giá tác động môi trường.
Cài đặt báo động cho ATM
Theo Thông tư số 47/2014/TT-NHNN quy
định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục
vụ thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ 1/4/2015, đối với ATM đặt
bên ngoài, tổ chức cung cấp dịch vụ ATM còn phải thực hiện thêm các biện
pháp đảm bảo an toàn như: có biện pháp đảm bảo ATM tránh bị kéo để di
dời trái phép; che giấu các thành phần, bộ phận ATM không cần thiết để
lộ ra bên ngoài; trang bị thiết bị cảm biến để cảnh báo tác động nhiệt
từ các thiết bị khò hàn và nhận biết các lực tác động với cường độ lớn
hoặc liên tục từ bên ngoài lên thân vỏ máy (hệ thống báo động)./.