Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 29/4/2017 23:27'(GMT+7)

7 tỉnh Nam Bộ sẽ về đích số hóa truyền hình trước 1 năm

7 tỉnh đồng bằng Nam Bộ sẽ số hóa truyền hình sớm hơn 1 năm so với lộ trình của Đề án số hóa truyền hình. Ảnh: Theo Cục TSVTĐ

7 tỉnh đồng bằng Nam Bộ sẽ số hóa truyền hình sớm hơn 1 năm so với lộ trình của Đề án số hóa truyền hình. Ảnh: Theo Cục TSVTĐ

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, ngày 26/4/2017, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội nghị số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm,, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Theo Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam trình bày tại Hội nghị, đến nay đã có 13 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang và Vĩnh Long hoàn thành số hoá truyền hình mặt đất. Ước tính, tổng dân số của 13 tỉnh, thành phố này chiếm gần 50% dân số cả nước. Việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất chuyển sang phát sóng số tại các địa phương nêu trên được nhân dân đánh giá cao, không có dư luận trái chiều.

Tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, người dân có thể thu xem được từ 26 đến 70 kênh truyền hình (trong đó có 5 đến 7 kênh truyền hình độ nét cao HDTV), tăng hơn nhiều so với số lượng từ 4 đến 6 kênh khi thu xem bằng truyền hình tương tự mặt đất. Chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt, được nhân dân phấn khởi đón nhận.

Bộ TT&TT đã thực hiện hỗ trợ trên 530.000 đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương trong vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất 

Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, từ kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình trên thực tế tại 13 địa phương, cùng với các điều kiện thuận lợi như: Thị trường cung cấp thiết bị thu truyền hình số mặt đất, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã quyết định sẽ đẩy mạnh số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 31/12/2017 - sớm hơn 1 năm so với lộ trình của Đề án.

Để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 7 tỉnh trên vào 31/12/2017, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đề nghị: Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) cần sớm hoàn thành phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại khu vực Nam Bộ trong năm 2017; các tỉnh cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất. Nội dung, cách thức tuyên truyền tập trung vào đối tượng đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất, sử dụng các phương tiện có hiệu quả cao như Đài PTTH tương tự, truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, cần chú trọng và tăng cao tần suất thông tin, tuyên truyền từ tháng 11/2017. Đề nghị UBND 7 tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm lập kế hoạch rà soát, tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu theo quy định.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo UBND và Sở TT&TT, Đài PT&TH các tỉnh đều thể hiện quyết tâm thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo kế hoạch Ban Chỉ đạo đã đề ra. Bên cạnh đó, đại biểu các tỉnh cũng chia sẻ một số băn khoăn, vướng mắc của địa phương khi triển khai số hóa truyền hình như: Vấn đề hợp tác giữa đài truyền hình địa phương và đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình sẵn có; giá thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng kênh truyền hình địa phương trên sóng số DVB-T2 khu vực; công tác thông tin tuyên truyền và trách nhiệm của Trung ương, địa phương trong việc phân bổ kinh phí để thực hiện; vấn đề kết hợp truyền hình số mặt đất và truyền hình số qua vệ tinh để số hóa cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao các góp ý tích cực và sự thống nhất, quyết tâm cao của các đồng chí lãnh đạo UBND, Sở TT&TT và Đài PT-TH các tỉnh về thời điểm ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất trên địa bàn từ ngày 31/12/2017. Thứ trưởng Phan Tâm đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhằm kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các công việc cần thiết trong thời gian tới, đặc biệt là các nội dung thông tin tuyên truyền số hóa truyền hình và công tác chuẩn bị rà soát, tổng hợp số liệu để thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng tích cực triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất tại Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau nói riêng và toàn khu vực Nam Bộ nói chung, đảm bảo ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo kế hoạch Ban Chỉ đạo đã đề ra, trên tinh thần hợp tác, tận dụng tối đa hạ tầng truyền dẫn phát sóng của địa phương./.
Theo TTXVN

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất