Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết
Việt Nam là một trong những quốc gia hiện đang phải đối mặt với gánh
nặng bệnh tật kép. Các bệnh truyền nhiễm dù cơ bản đã được kiểm soát
nhưng vẫn diễn ra theo các diễn biến khác nhau.
Bên cạnh đó, các bệnh không truyền nhiễm vẫn có diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng, đang là mối lo của cả hệ thống y tế.
Báo cáo về gánh nặng bệnh tật của Việt Nam cho thấy 73% các ca tử vong
có liên quan đến các bệnh không truyền nhiễm; đứng đầu là các bệnh tim
mạch, ung thư và mỗi năm có hàng chục ngàn trường hợp tử vong từ bệnh
không truyền nhiễm.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về môi
trường; trong đó có các vấn đề về thực phẩm nhiễm bệnh, các dư chất
không có lợi cho sức khỏe, sự phát triển của đô thị hóa và ô nhiễm môi
trường không khí.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh diễn đàn là cơ hội để các đại biểu
nhìn nhận thêm về hiện trạng cũng như những cơ hội, thách thức hiện nay
trong việc kiểm soát các tác động của các bệnh truyền nhiễm, không
truyền nhiễm và bệnh liên quan đến môi trường tại Việt Nam. Qua đó, các
đại biểu đề xuất kế hoạch ưu tiên cho các bước tiếp theo liên quan đến
nghiên cứu, can thiệp và dự phòng các bệnh này tại Việt Nam.
Các báo cáo tại diễn đàn cho biết Việt Nam hiện nay giống như nhiều quốc
gia có thu nhập thấp trước đây, trong khi các bệnh truyền nhiễm vẫn
đang là thách thức đối với y tế công cộng thì các bệnh không truyền
nhiễm đã xuất hiện.
Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh với áp lực về chất lượng môi trường
là một trong những nhân tố của quá trình chuyển dịch các yếu tố dịch
tễ.
Báo cáo về gánh nặng bệnh tật của Việt Nam đã xếp hạng bệnh đột quỵ,
nhồi máu cơ tim, ung thư gan và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bốn
nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong tổng số hơn 150.000 ca tử
vong mỗi năm.
Ô nhiễm không khí môi trường và tại hộ gia đình đứng hàng thức ba trong
số các yếu tố gây gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, sau nguy cơ do chế độ
ăn uống và thuốc lá.
Tại Việt Nam, với tỷ suất 78 ca bệnh trên 100.000 dân thì tỷ lệ mắc bệnh
sốt xuất huyết đang tăng lên đều đặn và trở thành một bệnh truyền nhiễm
với 70.000 ca mắc hàng năm.
Các bệnh truyền nhiễm tái nổi và mới như bệnh cúm gia cầm H5N1, dịch
cúm, dịch tả, bệnh chân tay miệng, sởi và bệnh dại có ảnh hưởng nghiêm
trọng đến sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.
Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 24-25/3 với nhiều báo cáo tham luận tập
trung vào các nội dung chính như gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam; thách
thức của bệnh truyền nhiễm; ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đô thị đến
các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm; vai trò của khu vực tư nhân
trong việc giải quyết gánh nặng bệnh tật kép./.
Theo TTXVN