Báo cáo của Bộ Nhân quyền Iraq cho biết, 85.694 người đã bị giết chết từ đầu năm 2004 đến 31/10/2008 và 147.195 người bị thương. Con số nạn nhân này bao gồm dân thường, binh lính và cảnh sát Iraq nhưng không bao gồm binh lính Mỹ, các chiến binh hoặc người nước ngoài, trong đó có cả các nhà thầu. Và con số khủng khiếp trên vẫn chưa bao gồm số người thiệt mạng ngay trong những tháng đầu tiên năm 2003 khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào xâm lược Iraq.
Trong số hơn 85.000 người thiệt mạng có 1.279 trẻ em, 2.334 phụ nữ, 263 giáo sư đại học, 21 thẩm phán, 95 luật sư và 269 nhà báo.
"Qua những cuộc tấn công khủng bố như nổ bom, ám sát, bắt cóc.... các nhóm tội phạm đã tạo ra những con số khủng khiếp nói trên. Đây là một thách thức lớn đối với pháp quyền và đối với nhân dân Iraq," bản báo cáo của Bộ Nhân quyền cho hay.
Con số thông kê lần này chỉ tính những nạn nhân thiệt mạng do bạo lực, ví dụ như bị chết trong các vụ bắn súng, các vụ đánh bom, tấn công bằng đạn pháo và chặt đầu. Những con số đó chưa bao gồm những người chết vì các yếu tố gián tiếp như do sự đổ vỡ của cơ sở hạt tầng, hệ thống y tế.
Tình hình bạo lực ở Iraq trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể nhưng hầu như tất cả các gia đình ở Iraq đều có ít nhất một câu chuyện về người thân của họ bị giết, bị thương hoặc bị mất tích trong cuộc chiến khốc liệt này. Một người dân ở thủ đô Baghdad có tên là Ali Khalil, 27 tuổi, đến từ thành phố Sadr, cho biết anh không ngạc nhiên trước những con số mới được chính phủ công bố. Cha của Khalil đã bị các tay súng bắn chết cuối năm 2006.
"Tôi nghĩ con số người thiệt mạng trên thực tế phải cao hơn thế này," Khalil cho biết. Anh này cũng nói thêm rằng anh không nghĩ đất nước mình sẽ tiếp tục chứng kiến số người chết cao như thế trong tương lai bởi vì tình hình an ninh đã được cải thiện. "Chúng tôi đã mất đi những người thân yêu và chúng tôi hy vọng những nỗi buồn và mất mát như vậy sẽ không tái diễn."/.
Theo VnMedia