Chưa bao giờ đồng USD bị tấn công mạnh như hiện nay. Kể từ năm 2002, sức mạnh thương mại của đồng USD - được tính trong một giỏ tiền tệ chung - đã giảm hơn 25%. Trong vòng 6 tháng qua, giá trị đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 11,5%. Sự xuống giá của USD đang làm nảy sinh lo ngại về vị trí quyền lực của đồng tiền này, với tư cách đồng dự trữ chiến lược của thế giới.
Sự nghi ngờ về vị thế của USD càng tăng lên gấp bội sau khi tờ Độc lập của Anh loan tin rằng, các quốc gia vùng Vịnh cùng Trung Quốc, Nga, Pháp có ý định “hất cẳng” đồng USD trong giao dịch dầu mỏ. Dù các nước liên quan có những phủ nhận quyết liệt, người ta không thể không nhớ tới lời của Chủ tịch Ngân hàng thế giới Dô-ê-lích (Zoelick) cảnh báo rằng “sẽ là sai lầm nếu Mỹ coi USD đương nhiên là đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới”. Chính vì thế, người ta đang đặt câu hỏi, vị trí của “đồng bạc xanh” giờ ở đâu trong hệ thống tiền tệ quốc tế?
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tin đồn về sự lung lay của đồng USD. Đã nhiều lần đồng tiền này được cho là “tận số”, song sau đó lại gượng dậy dù với bộ dạng tàn tạ. Nhận định về vị thế của đồng USD trong thời điểm hiện tại, Giô-dép Stích-lít (Joseph Stiglitz), nhà kinh tế học từng đoạt giải Nô-ben cho biết, có rất ít hi vọng rằng bất cứ tiền tệ nào cũng sẽ có khả năng thay thế đồng USD như một đồng tiền dự trữ ở mọi thời điểm. Trong khi đó, có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, hiện nay, vị thế của USD vẫn còn rất mạnh trên thị trường quốc tế. Tất nhiên có sự suy giảm trong tương lai với sự tham gia của các đồng tiền khác như đồng ơ-rô, đồng Yên của Nhật và với cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Điều này thể hiện qua cơ cấu dự trữ ngoại tệ của các quốc gia, USD từ là một đồng tiền dự trữ tuyệt đối thì hiện chỉ chiếm 60-70% trong tổng dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia. Nhưng điều đó cho thấy USD vẫn là một đồng tiền mạnh.
|
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Ghết-nơ (bên trái) và Thống đốc ngân hàng I-ta-li-a trước cuộc họp G7 hôm 3-10-2009 ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Roi-tơ). |
Nhiều ý kiến cho rằng cần có một đồng tiền mới thay thế đồng USD. Tuy nhiên, trọng tâm của vấn đề nằm ở câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Trung Quốc hay một số nước khác sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, hay sẽ bỏ rơi nó khi chứng kiến kinh tế Mỹ tiếp tục “chảy máu”?
Cũng giống như các đồng tiền khác, số phận của đồng USD phụ thuộc vào cách thức Chính phủ Mỹ kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện nền kinh tế này đang ở một thế cân bằng mong manh giữa nguy cơ giảm phát do bị đè nặng bởi các khoản vay nợ của chính phủ và nguy cơ lạm phát do các biện pháp kích thích kinh tế níu kéo. Không ai đoán được tình hình sẽ diễn biến theo hướng nào, nhưng cả hai cách đều không tốt cho đồng USD và cho những ai đang sở hữu tài sản được định giá bằng đồng tiền này. Với hàng ngàn tỉ USD dự trữ, các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và các nước lớn khác đang đứng trước một tình thế khó xử. Bất cứ sự giảm giá nào của đồng USD cũng sẽ làm khối tài sản của họ mất giá trị. Rút lui khỏi tình trạng này cũng không dễ, bởi họ sẽ tự làm hại mình bằng cách làm đồng USD sụt giá nếu như bán ra các tài sản USD để thu hồi vốn.
Nhưng cũng có thể thấy, hiện sức mạnh của đồng USD còn phụ thuộc vào nợ nước ngoài của Chính phủ Mỹ, nợ nước ngoài càng lớn thì uy tín của USD càng giảm. Cuộc khủng hoảng tài chính đã đẩy nền tảng tài chính của nước Mỹ đến bờ vực sụp đổ, buộc Chính phủ Mỹ phải bơm tiền giải cứu hệ thống tài chính làm thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng, trong khi các ngân hàng (có cả những ngân hàng lớn quốc gia) cũng liên tục phá sản. “Không có lửa thì cũng không có khói, hiện tại con số nợ của Mỹ đã vượt qua 11.000 tỉ USD. Có số liệu thống kê còn cho hay, từ năm 2010 đến năm 2019, Mỹ sẽ có con số thâm hụt ngân sách lên đến 9.000 tỉ USD. Hiện tượng này có nghĩa là gì? Lợi nhuận của đồng USD hiện tại đang là con số không, nếu như xu hướng này tiếp tục xảy ra, vị trí của đồng USD sẽ trở nên bất ổn định, vì vậy đồng bạc xanh bị thay thế là chuyện sớm hay muộn”, một chuyên gia Trung Quốc nhận định.
Gim O-nây (Jim O’Neil), chuyên gia kinh tế hàng đầu của tập đoàn Goldman Sachs cho rằng, khi mà kinh tế Trung Quốc trong vòng 5 năm tới thể hiện là một nền kinh tế tiêu dùng, tăng trưởng liên tục, và đồng ơ-rô có thêm một thập kỉ thành công nữa, thì lúc đó đồng USD mới giảm dần vị thế. “Đó có thể là giai đoạn chuyển tiếp sang một “thế giới đa cực”, trong đó các đồng tiền khác sẽ cạnh tranh ảnh hưởng với đồng USD, quá trình này cũng sẽ mất thời gian, ít nhất là 30 năm hoặc hơn”, O-nây nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Ghết-nơ (Tim Geithner) mới đây khẳng định, Chính phủ Mỹ sẵn sàng thực thi các biện pháp bảo vệ giá trị đồng USD. Có lẽ hy vọng của Mỹ, nói như các nhà phân tích, thì thông tin về sự lung lay của đồng bạc xanh chỉ là một cơn gió được mang đến bởi giới truyền thông và vị trí của đồng USD không thể dễ dàng bị đánh đổ như vậy./.
(Theo: QĐND)