Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 3/5/2011 21:46'(GMT+7)

ADB VÀ OFID ký thỏa thuận tăng cường hợp tác

Thỏa thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên Hội đồng Thống đốc lần thứ 44 của NH ADB diễn ra từ ngày 3  đến ngày 5/6 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị của ADB và là sự kiện có quy mô lớn, có tầm vóc quốc tế với sự tham gia của đông đảo các tổ chức quốc tế, quan chức Chính phủ, giới tài chính ngân hàng, các nhà đầu tư, các tổ chức phi Chính phủ..

Chủ tịch ADB cho rằng, ADB và OFID sẽ tăng cường quan hệ đối tác trong các hoạt động phát triển tại các quốc gia đối tác và các lĩnh vực ưu tiên chung, cũng như mang lại lợi ích cho những sáng kiến của khu vực châu Á. Tính đến nay, hai bên đã đồng thực hiện 90 dự án với tổng trị giá lên tới 785 triệu USD tại các nước như Áp-ga-nít-xtăng, A-déc-bai-dan, Băng-la-đét, Cam-pu-chia, Ấn độ, Cộng hòa Kyrgyz, Cộng hòa DCND Lào, Thái Lan, Việt Nam... Trong thời gian qua, từ khi Việt Nam nối lại quan hệ với ADB từ năm 1993 đến nay, ADB đã rất quan tâm đến Việt Nam. Đến thời điểm này ADB phê duyệt 114 khoản vay cho Chính phủ Việt Nam trị giá gần 10 tỷ USD, trong đó, các dự án đã ký kết khoảng 6 tỷ USD.

Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-ADB ngày càng được duy trì, củng cố và phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là nước vay ưu đãi lớn thứ 3 của ADB, sau Bangladesh và Pakistan.
Sự giúp đỡ quý báu từ ADB có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, phát triển năng lượng, y tế, giáo dục, đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.

ADB hiện có 67 thành viên, trong đó 48 thành viên trong khu vực Châu Á. Trong năm 2010, ADB đã thông qua tổng số tiền hỗ trợ là 17,51 tỷ đô-la, bao gồm cả các dự án đồng tài trợ. Ngoài ra ADB cũng cung cấp 2,8 tỉ đô la Mỹ cho Chương trình Tài trợ Thương mại.

Mục tiêu hoạt động của OFID là nhằm đóng góp hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội tại các nước đang phát triển. OFID có mặt tại hầu hết các lĩnh vực phát triển và đang đóng góp hiệu quả cho nỗ lực toàn cầu về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu đẩy lùi nghèo năng lượng, mục tiêu số 9, một mục tiêu chủ chốt cho xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững. Kể từ khi bắt đầu hoạt động, OFID đã cam kết hơn 13 tỉ đô la Mỹ cho hoạt động hỗ trợ phát triển bền vững.


Thu Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất