Ít nhất 30 người, trong đó có 2 cảnh sát, đã thiệt mạng và hơn 300 người bị
thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình quá khích xảy ra
ngày 26/1 ở thành phố Suez, thuộc tỉnh Port Said sau khi tòa tuyên án tử hình
đối với 21 bị cáo trong vụ bạo động đẫm máu liên quan tới bóng đá ở nước này hồi
tháng 2 năm ngoái.
Người đứng đầu bệnh viện tỉnh Port Said cho biết số nạn nhân còn tiếp tục tăng
trong những giờ tới do có nhiều người bị thương rất nặng. Trong khi đó, hàng
nghìn thành viên nhóm cổ động viên bóng đá Ultras Ahly thề sẽ tiếp tục gây sức
ép đến khi công lý được thực thi đầy đủ, đồng thời yêu cầu tòa án tuyên án tử
hình đối với các bị cáo còn lại.
Trong một diễn biến mới nhất, người phát
ngôn quân đội Ai Cập Ahmed Ali cho biết hiện các binh sĩ đã giành lại quyền kiểm
soát khu vực xung quanh nhà tù Port Said (nơi đang giam giữ các bị cáo vừa bị
kết án tử hình), trụ sở Cơ quan quản lý kênh đào Suez, các cơ quan hành chính,
ngân hàng, tòa án cũng như tất cả các nhà máy điện và nhà máy nước tại Port
Said. Quân đội cũng triển khai nhiều tàu chiến dọc theo kênh đào Suez để bảo đảm
an ninh trên tuyến giao thương huyết mạch này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thông
tin Ai Cập Sala Abdel Maqsoud cho biết Hội đồng Quốc phòng, do Tổng thống
Mohamed Morsi đứng đầu, đã lên án các vụ bạo lực trên đường phố và kêu gọi đối
thoại rộng khắp trên cả nước để giải quyết những bất đồng về chính trị. Theo Bộ
trưởng, Hội đồng đang cân nhắc việc áp đặt lệnh giới nghiêm hoặc tuyên bố tình
trạng khẩn cấp tại những địa phương có bạo loạn.
Trong một cuộc họp khá
dài, Hội đồng Quốc phòng kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tham gia một
cuộc đối thoại dân tộc rộng rãi do các nhân vật trung lập làm trung gian nhằm
chấm dứt tình trạng chính trị căng thẳng hiện nay ở Ai Cập. Hội đồng cho biết
cuộc đối thoại dân tộc cũng sẽ tập trung bàn thảo các tiêu chuẩn tổ chức bầu cử
tự do và công bằng.
Trước đó, phe đối lập chính tại Ai Cập là Mặt trận
Cứu quốc (NSF) đã dọa sẽ tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới nếu Tổng thống Morsi không
tìm ra được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng ở nước này. NSF còn kêu
gọi thành lập một “chính phủ cứu quốc."
Trong những ngày qua, Ai Cập đã
chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ của phe đối lập phản
đối Tổng thống Morsi và tổ chức "Anh em Hồi giáo" nhân kỷ niệm hai năm nổ ra làn
sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak. Bạo loạn bùng
lên trên khắp đất nước đã buộc ông Morsi phải hoãn chuyến công du tới Ethiopia
vào ngày 27/1 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu
Phi./.
(TTXVN)