Thứ Hai, 23/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 25/1/2013 12:30'(GMT+7)

Những đường biên mới của chủ nghĩa khủng bố

Hơn 10 năm sau vụ tấn công khủng bố gây chấn động nước Mỹ và cả thế giới (11-9-2001), cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt là việc trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen (Osama Bin Laden) bị tiêu diệt vào giữa năm 2011. Nhưng những gì vừa diễn ra tại An-giê-ri vừa qua cho thấy, nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế mới chỉ ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, chứ chưa thể loại bỏ hiểm họa này ra khỏi đời sống nhân loại.

Vụ bắt cóc con tin với số lượng lớn, trong đó có nhiều con tin người nước ngoài, ở tổ hợp khí đốt In A-mê-nát thuộc tỉnh In-li-di, miền Nam An-giê-ri ngày 16-1 vừa qua chỉ là một trong những vụ bắt cóc lớn thời gian qua. Thế nhưng, cuộc giải cứu sau đó của các lực lượng an ninh An-giê-ri cùng những thiệt hại to lớn về nhân mạng đã khiến nó trở thành cuộc khủng hoảng con tin kinh hoàng nhất trong thập kỷ qua.


Không giống như các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc như “thông lệ” trước đây, nhóm tay súng khủng bố tự xưng là "Tiểu đoàn máu" tuyên bố việc bắt giữ con tin nhằm trả đũa việc Pháp đưa quân vào tấn công các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Ma-li, nước nằm kề cận với An-giê-ri. Yêu sách của bọn khủng bố là Pháp phải rút quân khỏi Ma-li.


Những yếu tố này cho thấy cuộc khủng hoảng con tin ở An-giê-ri mang màu sắc quốc tế rõ rệt, khi có rất nhiều quốc gia liên quan đến cả hai phía, nạn nhân lẫn thủ phạm.


Nói một cách khác, chủ nghĩa khủng bố đang mở rộng những đường biên của nó, khi mà một hành động khủng bố cực đoan có thể gây nên những hệ lụy rộng lớn, khiến nhiều quốc gia phải cân nhắc hết sức thận trọng những chính sách của mình.


Trong một thế giới ngày càng trở nên "phẳng" và chật hẹp như hiện nay, một chiến dịch quân sự nơi này có thể dẫn tới những hành động trả đũa ở nơi khác. Đòn đánh của Al Qaeda vào hai tòa tháp ở Niu Y-oóc ngày 11-9-2001 là một ví dụ đẫm máu. Vụ bắt cóc con tin ở An-giê-ri vừa qua là lời khẳng định!


Lên nắm quyền kể từ tháng 5-2012, Tổng thống Ô-lăng-đơ từng tuyên bố sẽ lãnh đạo đất nước và đưa ra những chính sách ngoại giao nổi trội hơn hẳn so với người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy). Để vượt qua “cái bóng” của ông Xác-cô-di, người được đánh giá là thành công trong thực hiện chính sách đối ngoại ở Li-bi với chiến dịch can thiệp quân sự nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Mu-a-mơGa-đa-phi (Muammar Gaddafi), đối với ông Ô-lăng-đơ, con đường nhanh nhất là phải trở thành “tổng thống chiến tranh”. Cái cớ “Ma-li và Pháp đang bị đe dọa bởi ba tổ chức Hồi giáo cấp tiến, trong đó có chi nhánh Al-Qeada hiện đang kiểm soát miền Bắc Ma-li và đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng xuống miền Nam để thành lập một nhà nước khủng bố” chính là lý do hợp lý nhất để Pa-ri dấn thân vào một cuộc chiến mới.


Thế nhưng Pháp (và đằng sau là nhiều nước phương Tây) không lường hết hậu quả khi tự đặt mình vào thế đối đầu với thế giới Hồi giáo. Pháp và những nước phương Tây “hậu thuẫn” Pa-ri đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố, không chỉ ở trên lãnh thổ Pháp mà còn có thể ở khắp nơi trên thế giới.


Nhìn lại các cuộc tấn công khủng bố trước đây có thể thấy rõ sự thay đổi cách thức khủng bố trong cuộc khủng hoảng con tin ở An-giê-ri. Trước đây, khi thế giới Hồi giáo mâu thuẫn với quốc gia phương Tây nào đó thì thường xảy ra các vụ khủng bố ở quốc gia đó, như trường hợp vụ tấn công khủng bố ở Niu Y-oóc (Mỹ) năm 2001, ở thành phố Ma-đrít (Tây Ban Nha) năm 2004, Luân Đôn (Anh) 2005… Bản thân Pa-ri cũng lường trước được nguy cơ khủng bố nên đã đặt mức báo động đỏ, mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo an ninh khủng bố của Pháp.

Nhưng mọi việc đều không nằm trong dự tính của Pa-ri. Vụ bắt cóc con tin đã vượt ra ngoài biên giới nước Pháp, nạn nhân cũng không phải chỉ có người Pháp mà còn ở một loạt nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Phi-líp-pin...


Cuộc khủng hoảng con tin tại tổ hợp khí đốt In A-mê-nát cho thấy sự tàn ác của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực này. Từ một không gian trống rỗng trên bản đồ, sa mạc Xa-ha-ra trải dài từ Xê-nê-gan ở phía Tây tới Xô-ma-li ở phía Đông đã trở thành “điểm nóng” khi nhánh Al Qaeda khu vực Hồi giáo Bắc Phi (AQIM) và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác dùng làm bàn đạp cho các vụ tấn công mới. Tình hình trong khu vực càng xấu đi sau khi phong trào “Mùa xuân A-rập” tràn qua khu vực Trung Đông-Bắc Phi, lật đổ một loạt chính phủ như Tuy-ni-di, Li-bi, Ai Cập...


Xung đột tại Ma-li giờ đây không còn là chuyện giữa Pháp với Ma-li. Nó cho thấy sự bất ổn đang lan rộng trên toàn khu vực Xa-hen, liên quan đến nhiều nước như An-giê-ri, Ni-giê, Buốc-ki-na Pha-xô, Cộng hòa Sát, Xê-nê-gan và Mô-ri-ta-ni... Chủ nghĩa khủng bố cần phải bị lên án. Nhưng điều trước mắt cần làm, đó là tránh biến những cuộc xung đột mang tính cục bộ địa phương trở thành một cuộc đối đầu giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo, bởi điều đó sẽ đẩy thế giới vào một vòng xoáy chết chóc.
/.

(Linh Oanh/QĐND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất