Phát biểu trong phiên khai mạc một hội nghị kinh tế, ông Morsi
nói: “Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận sự can thiệp quân sự vào Mali vì hành
động đó sẽ thổi bùng xung đột trong khu vực.”
Ông nhấn mạnh bất cứ biện
pháp can thiệp nào vào Mali “cũng phải mang tính hòa bình,” đồng thời kêu gọi
tài trợ để thúc đẩy sự phát triển ở quốc gia Tây Phi này.
Ông nhấn mạnh:
“Chúng tôi không chấp nhận chủ nghĩa cực đoan, bạo lực hay gây hấn nhằm vào dân
thường và chúng tôi cũng không muốn gây ra một cuộc tàn sát đẫm máu
mới.”
Trong diễn biến liên quan, hàng chục người Hồi giáo Kuwait ngày
21/1 đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Kuwait để phản đối sự can thiệp
quân sự tại Mali, kêu gọi các nhà lãnh đạo vùng Vịnh không tiếp tay cho chiến
dịch này.
Người biểu tình hô khẩu hiệu và giương các biểu ngữ đòi Pháp
ngừng chiến dịch chống người Hồi giáo ở Mali, đồng thời lên án hành động giết
hại người Hồi giáo ở quốc gia Châu Phi này.
Cũng liên quan đến tình hình
Mali, Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal tuyên bố Chính phủ Algeria sẽ không
đưa bất cứ một người lính nào đến Mali và khẳng định nước ông sẽ quan tâm đến
việc bảo vệ đường biên giới và lãnh thổ của mình.
Phát biểu trong cuộc
họp báo ngày 21/1, Thủ tướng Algeria nhắc lại lập trường của chính phủ nước này
là khích lệ đối thoại giữa các bên để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Mali.
Mặt khác, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có hành động tiệt trừ nạn khủng bố
và tội phạm dưới bất kỳ hình thức nào ở vùng Sahel.
Liên quan đến việc
Algeria cho phép máy bay Pháp sử dụng không phận của mình để tiến hành không
kích các mục tiêu của Hồi giáo cực đoan đang chiếm đóng Bắc Mali, Thủ tướng
Abdelmalek Sellal nói đây là quyết định có chủ quyền của Algeria và phù hợp với
luật pháp quốc tế cũng như mọi quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về
Mali./.
Theo Vietnam+