Thứ Năm, 10/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 1/12/2011 20:36'(GMT+7)

Ai Cập xa ngày bình yên

An ninh được tăng cường trong ngày bỏ phiếu ở Ai Cập. (Ảnh: AP).

An ninh được tăng cường trong ngày bỏ phiếu ở Ai Cập. (Ảnh: AP).

Bằng chứng là làn sóng biểu tình đẫm máu lại bùng phát ở Ai Cập ngay trước thềm bầu cử sau khi quân đội Ai Cập bổ nhiệm thủ tướng mới. Thậm chí cả khi bầu cử Quốc hội đã diễn ra hôm 28/11 vừa qua, biểu tình và bạo loạn vẫn không dứt.

Vậy tại sao người dân Ai Cập không bằng lòng với những tiến triển chính trị như vậy? Người dân Ai Cập không chấp nhận người được quân đội chọn ra bởi họ ủng hộ những ứng cử viên khác mà họ tin là sẽ bảo vệ lợi ích cho họ, chứ không phải lợi ích của quân đội hay bất kỳ thế lực chính trị nào khác. Những người biểu tình đã đưa ra danh sách một chính phủ cứu nguy dân tộc riêng của mình, trong đó bao gồm Cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) En Ba-ra-đây (El Baradei). Họ yêu cầu chính quyền quân sự phải từ chức và trao quyền cho một chính quyền dân sự. Nhưng kể từ khi chế độ của ông Mu-ba-rắc sụp đổ, ý nguyện này của họ chưa bao giờ được đáp ứng. Trái lại, quân đội luôn cố tìm cách để duy trì và kéo dài quyền lực của mình.

Có một thực trạng là các lực lượng chính trị hiện nay ở Ai Cập không quan tâm tới việc khôi phục nền kinh tế đất nước mà còn đang mải theo đuổi và bảo vệ các lợi ích chính trị của mình. Vì vậy, mặc dù số lượng các chính đảng ở Ai Cập đã tăng gần gấp 3 lần trong thời kỳ hậu Mu-ba-rắc nhưng theo đánh giá, việc này sẽ chỉ tác động tích cực tới quá trình dân chủ hóa ở Ai Cập. Nhưng việc có quá nhiều chính đảng được thành lập như vậy sẽ làm tăng khả năng hình thành một Quốc hội gồm một loạt đảng nhỏ nên việc gia tăng những bất đồng trong việc ra các quyết sách ở Quốc hội sẽ là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, việc đưa ra một quyết sách khôi phục nền kinh tế bị suy sụp vì khủng hoảng chính trị ở Ai Cập vào thời điểm hiện nay là mục tiêu rất khó khăn.

Những người tham gia biểu tình thời kỳ hậu Mu-ba-rắc phần đông là các thanh niên thất nghiệp đang khao khát có việc làm. Nhiều thanh niên Ai Cập cho biết, họ tham gia phong trào biểu tình hồi tháng 1 là để lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Mu-ba-rắc. Nhưng giờ đây, họ cần nền kinh tế đất nước phải phát triển. Đó mới là thay đổi thực sự mà họ cần. Tuy nhiên, trước thực trạng chính trị rối ren như hiện nay, nền kinh tế Ai Cập đang ở trong giai đoạn tồi tệ, khiến tâm lý thất vọng của người dân tăng cao.

Thất nghiệp cao chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ biểu tình chống chính quyền thời kỳ hậu Mu-ba-rắc. Rất nhiều thanh niên đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm và nhiều người đã buộc phải nghĩ đến chuyện rời bỏ Tổ quốc để ra nước ngoài mưu sinh. Các vụ bạo lực, bất ổn chính trị, các cuộc đình công ở nhiều ngành, doanh thu từ du lịch bị giảm mạnh, đã khiến Ai Cập bị tổn hại gần 3 tỷ USD trong năm 2011. Hệ quả này đã gián tiếp hoặc trực tiếp tác động tới 10% lực lượng lao động ở nước này. Dự báo tăng trưởng GDP của Ai Cập giai đoạn 2011-2012 không vượt quá 2%, so với 6% trong những năm trước đây. Theo ước tính, hiện gần 40 triệu người Ai Cập, tương đương 51% dân số nước này đang phải sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập chưa đến 2 USD/ngày.

Tiến sĩ kinh tế Mút-xta-pha En Xết (Moustapha El-Said) cho rằng, nền kinh tế Ai Cập đang phải trả giá cho những gì đã và đang xảy ra tại quảng trường Ta-hơ-ria, tâm điểm của phong trào biểu tình ở Ai Cập. Theo ông, do không có an ninh, không có chính quyền, nên không thể có những giải pháp để cứu nền kinh tế.

Vì vậy cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập lần này được trông đợi sẽ dẫn tới việc thành lập một đảng đa số mới, vượt trội so với các đối thủ khác, có khả năng đứng ra chèo lái đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự báo liệu cuộc bầu cử được trông đợi ở Ai Cập lần này có tạo ra sự khác biệt thật sự ở Ai Cập hay không? Cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập vừa mới chỉ mở màn với cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện. Quá trình bầu cử của Ai Cập sẽ kéo dài tới tận tháng 3/2012 sau khi bầu cử Thượng viện kết thúc. Quốc hội mới của Ai Cập sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới để dọn đường cho một cuộc bầu cử tổng thống vào trước cuối tháng 6/2012. Trong quá trình chính trị kéo dài này, tương lai đất nước của các pha-ra-ông sẽ khó mà sáng sủa một khi ý nguyện của đại đa số người dân không được tính tới./.

(Theo: Mai Hạnh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất