Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 4/3/2009 10:47'(GMT+7)

Ấm áp Atapư

Nhân dân các bộ tộc Lào vẫy chào đòan đại biểu cấp cao Việt Nam sang dự Hội thảo quốc tế về khu kháng chiến Hạ Lào (ảnh: Nguyễn Chu)

Nhân dân các bộ tộc Lào vẫy chào đòan đại biểu cấp cao Việt Nam sang dự Hội thảo quốc tế về khu kháng chiến Hạ Lào (ảnh: Nguyễn Chu)

Ấn tượng về các cuộc đón tiếp

Đoàn đại biểu Việt Nam sang dự Hội thảo quốc tế về khu kháng chiến Hạ Lào gồm các đồng chí lãnh đạo cao cấp, đại diện các cơ quan Trung ương, đoàn cựu tình nguỵện quân và chuyên gia Việt Nam công tác, chiến đấu tại Lào, Văn phòng Ban quản lý dự án biên soạn lịch sử quan hệ Việt Nam- Lào...  Đoàn đại biểu của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai đi theo hướng từ Cửa khẩu Bờ Y theo đường 18 B về tỉnh lỵ Attapư. Đây là các địa phương của Việt Nam có mối quan hệ lâu đời với các tinh Hạ Lào, đặc biệt trực tiếp giúp bạn xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào.

Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng nước bạn Lào đã rất thịnh tình, chu đáo trong đón tiếp những người bạn Việt Nam anh em. Dọc hai bên đường, người dân thuộc mọi lứa tuổi tươi cười đón khách với những lá cờ Việt Nam và Lào trên tay, hô vang các khẩu hiệu về mối quan hê thủy chung, trong sáng Việt Nam – Lào. Cảm giác thân mật, gần gũi lâng lâng trong mỗi chúng tôi.

Những hoạt động khác như hội thảo, mít tinh, đặt vòng hoa và viếng Tượng đài hữu nghị Lào - Việt Nam, Đài liệt sỹ tinh Attapư, Đài tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay xỏn Phômvihản, lễ buộc chi tay, thăm khu vực ngã ba Đông Dương, thăm Bản Mày... cũng được bạn tổ chức rất trọng thị, đầm ấm. Tất cả như anh em một nhà, khiến chúng tôi như quên đi cái nóng giữa trưa hè khắc nghiệt của vùng Hạ Lào.

Những giá trị quá khứ được khẳng định

Tháng 02 năm 1949, theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến Lào, ta và bạn thống nhất thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào, căn cứ chính đặt tại tỉnh Attapư. Với tinh thần nghĩa vụ quốc tế trong sáng, hơn 1.200 bộ đội Việt Nam tuổi còn mười tám, đôi mươi, chủ yếu đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đình đã tình nguyện hăng hái lên đường giúp bạn.

Với sự giúp đỡ của Việt Nam, Khu kháng chiến Hạ Lào không ngừng lớn mạnh, xây dựng được nhiều cơ sở Đảng, vận động nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết tham gia đánh Pháp, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân Lào anh em. Đồng thời nhiều nhân vật lịch sử của cách mạng Lào có công xây dựng và một thời gắn bó với chiến trường Hạ Lào về sau trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào, như Cay xỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông, Khămtày Xiphănđon....

Cuộc Hội thảo quốc tế về khu Kháng chiến Hạ Lào năm nay đã nhận gần 40 tham luận của các cơ quan, địa phương, nhà nghiên cứu của Việt Nam và Lào. Bằng những cứ liệu lịch sử, hầu hết các tham luận đều khẳng định việc thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào là một chủ trương đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và các nhà cách mạng Lào.

Khu Kháng chiến Hạ Lào là nơi thể hiện sinh động tình đoàn kết sắc son và liên minh chiến đấu giữa quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Hiện thực lịch sử kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào cho thấy, căn cứ địa Hạ Lào có một vai trò rất quan trong đối với cách mạng Lào, trước hết là đối với 3 tỉnh Hạ Lào là Attapư, Champasăk và Xlavan. Khu kháng chiến Hạ Lào còn là địa điểm tập kết cho cả lực lượng cách mạng Lào và lực lượng cách mạng Việt Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh, địa phận Lào và địa phận Nam Trung Bộ của Việt Nam đã là địa danh trực tiếp kết nối cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Nhiều ý kiến tham luận đã khẳng định mối quan hệ Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt, hiếm có, chưa từng có trên thế giới do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản dày công xây dựng, được các thế hệ kế tục của hai Đảng và nhân dân hai nước vun đắp.
 
Kết luận Hội thảo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Huy Rứa đã khẳng định những giá trị to lớn của Khu kháng chiến Hạ Lào, đồng thời mong muốn rằng “trong điều kiện và yêu cầu mới của cách mạng hai nước, tình cảm cách mạng, truyền thống đó đang được nâng lên tầm cao và chất lượng mới”.

Những cuộc gặp gỡ đầy cảm động

Trong khuôn khổ hoạt động Hội thảo và lễ kỷ niệm, có nhiều cuộc gặp gỡ chính thức và không chính thức. Nhưng có lẽ cảm động nhất là cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Khăm tày Xiphănđon, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với các trưởng đoàn Việt Nam và các cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại khách sạn Attapư vào chiều ngày 18 tháng 2. Mọi người đều xúc động, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của 60 năm về trước, có nhiều người sau chừng đó thời gian mới lại gặp lại đồng đội; tất cả đều ôm chầm, rơi nước mắt; đồng thời không quên nhắc lại những gương cán bộ, chiến sỹ hết lòng vì tình hữu nghị giữa hai dân tộc đã hy sinh, từ trần hoặc tuổi cao, sức yếu không sang dự cuộc họp mặt đáng nhớ này. Đồng chí Khăm tày Xiphănđon đã nhắc lại kỷ niệm cùng hoạt động với các bạn Việt Nam và đã đón nhận những món quà tình nghĩa mà các đoàn đại biểu, cựu tình nguyện quân Việt Nam thân tặng.

Cuộc giao lưu giữa cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam với các bạn Lào vào chiều ngày 18 tháng 02 cũng chứa chan tình cảm. Tất cả đều bồi hồi nhớ lại những lúc nếm mật, nằm gai, vượt qua bao vòng vây của địch để xây dựng cơ sở, phát động quần chúng; những ngày ngủ rừng để hoàn thành nhiệm vụ được giao; những tình cảm của nhân dân các bộ tộc Lào đối với quân tình nguyện Việt Nam; những gương chiến sỹ đã chiến đấu, trong đó có người mãi mãi nằm lại với đất nước Champa anh em. Nhiều cựu quân tình nguyện Việt Nam đã bày tỏ tình cảm của mình về đất nước Lào anh em và đã trao đổi những công việc nhằm giữ gìn và phát huy tình hữu nghị Việt Nam- Lào.

Và còn bao cuộc gặp thú vị khác đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi. Bất ngờ là cuộc gặp của một cựu tình nguỵện quân Việt Nam với một cán bộ Lào tại khu vực ngã ba Đông Dương thuộc huyện Xanxay, hỏi ra người cán bộ Lào ấy chính là người từng dẫn đường cho bộ đội tình nguyện Việt Nam xâm nhập vào Attapư để xây dựng lực lượng những năm 1949-1950 và đã được bộ đội Việt Nam kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Chia tay nhau, tuy ai tuổi cũng cao, sức đã giảm nhưng đều có nguyện vọng gặp nhau lần cuối cũng chính trên mảnh đất Attapư thân thương này.

Là  tỉnh thuộc diện nghèo của Lào, nền kinh tế hàng hoá ở Attapư chưa phát triển. Thực hiện chủ trương của Đảng ta, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đã và đang giúp bạn nhiều mặt, nhất là đào tạo cán bộ chuyên môn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khai thác lâm sản, khoáng sản. Trân trọng sự giúp đỡ của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế nhưng bạn vẫn xác định dựa vào sức mình là chính để xây dựng đất nước Lào.

Trở lại Việt Nam, chúng tôi mang theo những tình cảm nồng nàn mà nước bạn đã dành cho các đoàn của Việt Nam. Mong rằng tỉnh Attapư sẽ sớm phát triển theo xu thế chung của đất nước Lào anh em như sự mong muốn của đồng chí Khăm tày Xiphănđon trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập khu Kháng chiến Hạ Lào./.

Phan Xuân Quang
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất