Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 18/2/2009 22:27'(GMT+7)

Phát huy truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Trong 3/4 thế kỷ đó, Mặt trận liên tục phát triển qua những chặng đường đấu tranh gay go quyết liệt của dân tộc, của cách mạng. Đấu tranh thắng lợi, Mặt trận lại lớn lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều đó đã trở thành một quy luật là:

“Đoàn kết - đấu tranh

Đấu tranh thắng lợi để có đoàn kết cao hơn, rộng hơn”.

Đoàn kết - đấu tranh là thuộc tính của cái gọi là “Mặt trận” (Front). Điểm xuất phát của nó là từ lãnh vực quân sự (Mặt trận quân sự - Front militaire). Trong lịch sử cách mạng Trung Quốc, Mặt trận dân tộc thống nhất được coi là một trong ba phép quý (Tam pháp bảo) của cách mạng. Đó là: Chính quyền Mặt trận và Quân đội. Mặt trận cách mạng là mặt đối lập với Mặt trận phản cách mạng. Mỗi bên đều có đội tiền phong, chủ lực quân và hậu bị quân trực tiếp và gián tiếp... nhằm đấu tranh phủ định mặt đối lập. Khi mặt đối lập là mặt trận phản cách mạng đã bị phủ định thì mặt trận cách mạng chuyển sang hình thái mới với tên gọi mới, cơ cấu tổ chức lực lượng mới phù hợp với giai đoạn mới của cách mạng. Trong Lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã thường bố trí lực lượng của Mặt trận các thời kỳ như vậy.

Ngày nay trong đổi mới, chúng ta không hay dùng và cũng không cần luôn luôn phải dùng khái niệm “đấu tranh”, hay “đấu tranh giai cấp” như trước kia, nhưng trong thực tế, chúng ta luôn phải đoàn kết để đấu tranh trên các mặt trận: tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, ngoại giao…, đấu tranh thắng lợi để có đoàn kết cao hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công.

Mặt trận đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được trong cách mạng như vậy, cho nên ngày nay Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã nêu rõ:

“Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”(1).

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 cũng ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viêu là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân... Nhà nước tạo điều kiện để mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiện quả“(2). Trong thực tế, nhờ đoàn kết, đấu tranh thắng lợi mà Mặt trận Tổ quốc ngày nay đã phát triển rộng lớn, vững chắc chưa từng có, đảm đương được những nhiệm vụ cao cả là:

1. Đoàn kết hơn 80 triệu người Việt Nam cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và một bộ phận đáng kể là Việt kiều (cùng dâu, rể) cư trú ở nhiều nước trên thế giới.

2. Đoàn kết toàn dân trong một quốc gia đa dân tộc, nhiều sắc tộc.

3. Đoàn kết một cộng đồng dân tộc nhiều tôn giáo và có cả một bộ phận lớn không tôn giáo.

4. Đoàn kết trong dựng nước với mục tiêu phấn đấu: “Giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(3) trong bối cảnh quốc tế nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn do xu thế hiện đại hoá, toàn cầu hoá, quốc tế hoá mang lại.

5. Đoàn kết giữ nước trong bối cảnh quốc tế đa cực, có sự lũng đoạn của các siêu cường và sự phát triển mới chưa từng có của vũ khí huỷ diệt cũng như nghệ thuật chiến tranh tối tân do sự phát triển cao của khoa học, công nghệ đem lại…

Phát huy truyền thống của ông cha trong thực hiện các nhiệm vụ kể trên, Mặt trận Tổ quốc đã:

1. Thực sự trở thành một khối đại đoàn kết toàn dân rộng lớn chưa từng có trong lịch sử, góp phần thực hiện thành công Cương lĩnh và Chiến lược cách mạng của Đảng.

2. Phát huy được sức mạnh của Liên minh công, nông, trí trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế hàng loá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.

3. Tham gia phát triển văn hóa, khoa học, coi văn hóa là một động lực to lớn trong phát triển xã hội và đã thu được nhiều kết quả.

4. Góp phần vào việc thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo do Đảng và Nhà nước đề ra, được quốc tế đánh giá cao.

5. Tham gia xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, từ việc xây dựng quy chế dân chủ từ cơ sở đến việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền với nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Nhìn chung, Mặt trận đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn dân.

Điều cần quan tâm hơn nữa hiện nay để có thể kế thừa và phát huy truyền thống Mặt trận trong công cuộc đổi mới một cách có hiệu quả là phải vận dụng “mâu thuẫn luận” và “thực tiễn luận” của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng vào xây dựng và phát triển Mặt trận, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng vận dụng. Cụ thể là phải:

Xác định rõ Mặt trận đối lập (trong oppositif) là gì để xây dựng Mặt trận cách mạng (front révolutionaire) mạnh mẽ và quyết thắng. Phải chăng Mặt trận đối lập hiện nay chính là những kẻ thù “Xâm lược, chia cắt, đói nghèo, yếu kém, bất công, mất dân chủ, lạc hậu” (tức mặt đối lập với các mục tiêu: “Độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra), kèm theo là 4 nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng“ đã chỉ rõ là:

1/ Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; 2/ Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; 3/ Nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; 4/ Nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch (4).

Nhìn vào thực tế hiện nay thì:

- Nguy cơ tụt hậu về kinh tế luôn có sự cảnh báo và thực tế đang có sự tụt hậu.

- Nguy cơ chệch hướng vẫn luôn phải đề phòng.

- Nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu thì ngày càng trầm trọng.

Nguy cơ diễn biến hoà bình cũng không hề có biểu hiện giảm nhẹ. Những sự can thiệp vào nội bộ ta về vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… của các thế lực thù địch luôn tiếp diễn.

Kinh nghiệm lịch sử Mặt trận cho thấy: Trước mỗi khó khăn chúng ta đều biết phát huy tinh thần sáng tạo, xây dựng và cải tiến tổ chức để tiến hành đấu tranh một cách có hiệu quả:

Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939, trước nguy cơ phát xít xâm lược, chúng ta đưa phong trào dân chủ trong mặt trận dân tộc thống nhất lên cao, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ dân tộc. Sang thời kỳ 1940-1945, chúng ta chuyển khẩu hiệu “Phản đế” sang khẩu hiệu “Cứu quốc“, thay Mặt trận phản đế Đông Dương bằng ba Mặt trận của ba dân tộc Việt, Miên, Lào, lập mặt trận Việt Minh. Năm 1943, chúng ta lập Mặt trận dân chủ chống phát xít, lấy Mặt trận Việt Minh làm nòng cốt để gia nhập Đồng minh quốc tế chống phát xít. Thời kỳ 1946-1954 chúng ta thành lập mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, có Mặt trận Việt Minh làm trụ cột. Rồi Việt Minh-Liên Việt hợp nhất thành một lực lượng mạnh mẽ góp phần đưa kháng chiến chống Pháp đến thành công. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước chúng ta vận dụng kinh nghiệm lịch sử, lồng ghép ba hình thức Mặt trận trong cả nước (2 ở miền Nam, 1 của cả nước) thành một Mặt trận chung là Mặt trận Tổ quốc. Lực lượng to lớn này đã góp phần đấu tranh giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chung quy lại, chúng ta đã sáng tạo trong thực hiện chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng, tạo nên một sức mạnh tổng hợp đủ để giành thắng lợi trong đấu tranh với bất cứ một kẻ thù nào. Đó là truyền thống quý báu nhất của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Ngày nay, chúng ta làm thế nào để phát huy được truyền thống đó trong đấu tranh: Bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đặc biệt là khắc phục 4 nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII đã chỉ ra.

Trước hết, Mặt trận cần góp phần vào việc đổi mới và củng cố hệ thống chính trị mà Mặt trận là một thành viên quan trọng. Nhiệm vụ hàng đầu của yêu cầu này là phải “Đổi mới tư duy chính trị“.

Theo tôi hiểu thì: Hệ thống chính trị luôn bao gồm: 1/ Hệ thống tổ chức chính tri. 2/ Hệ thống tư duy chính trị. 3/ Hệ thống cơ chế vận hành của tổ chức chính trị.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: Trước và sau Đại hội VI của Đảng, hệ thống chính trị vẫn được duy trì như cũ. Nhưng từ Đại hội VI trở đi, nhờ đổi mới hệ thống tư duy chính trị và cải tiến hệ thống cơ cấu vận hành tổ chức chính trị mà đã có được thành công to lớn.

Ngày nay, chúng ta đạt được nhiều thắng lợi trong đổi mới, nhưng nhìn về phía “Mặt trận đối lập” thì nguy cơ khủng hoảng mới đã nẩy ra. Phải có tư duy chính trị mới để ngăn ngừa cuộc khủng hoảng mới không để nó phát triển. Muốn vậy, Mặt trận phải góp phần tích cực vào nhiệm vụ này mà quan trọng nhất là góp phần nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên để đủ sức nắm bắt được thực tiễn, phát hiện ra chân lý cách mạng. Bởi vì đi thực tế mà không có đủ trình độ lý lụân để nắm bắt đúng thực tế thì cũng không có tác dụng gì.

Hơn lúc nào hết, hiện nay Mặt trận có một đội ngũ hội viên trí thức đông đảo, có tổ chức liên minh công, nông, trí vững mạnh (có cả trí thức trong nước, ngoài nước có nhiều “lao động tri thức” (kllowledge labour) làm việc trong các công nghệ cao). Họ có thể đóng góp được nhiều về mặt lý luận và nắm bắt thực tiễn. Vấn đề là ở chỗ biết tổ chức và có cơ chế vận hành của tổ chức đó như thế nào.

Hiện đã xuất hiện các tổ chức như “Liên kết 4 nhà“ trong nông nghiệp, hay tập thể các nhà giáo có tâm huyết góp ý với giáo dục… Tôi nghĩ, trong việc chống tham nhũng, chúng ta có thể có tổ chức của những “Phản biện nhân dân” như kiểu những Gián nghị đại phu thời Lý, Trần. Thời Lý, ngoài Ngự sử đài còn có các quan Gián nghị đại phu. Thời Lê đặt thêm chức “Hàm Gián nghị đại phu” tức không phải là quan chưcá mà là những người dân thường trung thực, dám đứng ra góp ý, can ngăn những điều làm sai trái của vua quan… Tôi nghĩ Mặt trận có đầy đủ khả năng và điều kiện để làm các việc này vì Mặt trận lúc nào cũng là “của dân, do dân, vì dân”: Mặt trận vì dân mà tổ chức. Dân nhờ Mặt trận mà được phát biểu, được đề đạt ý kiến, nguyện vọng với Đảng và Chính phủ. Đó phải chăng cũng là một sáng tạo trong phát huy truyền thống Mặt trận của cha anh mà chúng ta có thể làm được./.

—————-

(1), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.123, 123

(2) Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980 và 1992, Nxb CTQG, H, 1995, tr.139

(4) Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, lưu hành nội bộ, H, tháng 1-1994, tr.25.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất