Thứ Bảy, 5/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 15/4/2010 8:18'(GMT+7)

Âm vang hào khí Đất Tổ Hùng Vương

Hoạt động này cũng đã huy động, qui tụ và phát huy được các hoạt động của mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng. Đến dự Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2010 có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng,Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL- Trưởng Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương năm 2010 Hoàng Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và tỉnh Phú Thọ, cùng đại biểu nhiều tỉnh, thành phố, các nghệ nhân, diễn viên, đông đảo nhân dân các tỉnh vùng Đông Bắc và tỉnh Phú Thọ.

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ Hội Đền Hùng hướng con người về cội nguồn

Trong lời khai mạc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ: Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng là sự kiện văn hóa đặc biệt, có ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", khẳng định giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc VN, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, là dịp các con cháu nhớ về tổ tiên, ghi ân công đức các Vua Hùng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng được tổ chức ở qui mô quốc gia, gắn với Ngày hội VH-TT& DL các dân tộc vùng Tây Bắc với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VH-TT&DL, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, công tác chuẩn bị cho Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng đã sẵn sàng, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất, cho Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng diễn ra trang trọng, linh thiêng và thiết thực.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng là biểu tượng sinh động của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, là điểm hội tụ, sự kết nối quá hai chiều: giữa quá khứ và hiện tại, quá khứ và tương lai của dân tộc, bởi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và triết lý nhân văn, nhân quả trong văn hóa người Việt Nam, khẳng định vị trí và ý nghĩa lịch sử to lớn của triểu đại Hùng Vương, giáo dục giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm của chúng ta trước các Vua Hùng và các bậc tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm được tổ chức trang trọng, thành kính theo truyền thống dân tộc, nhằm bảo tồn những giá trị phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, gắn kết các vùng, miền trong cả nước. Lễ hội cũng góp phần phát triển du lịch, giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trở thành sự kiện văn hóa thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm thức đồng bào cả nước, người VN ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt chúng ta trước nhiều thời cơ thuận lợi mới, cũng như nhiều thách thức. Thực tế Đổi mới đất nước trong 24 năm qua đã chứng minh hùng hồn: Với bản lĩnh, trí tuệ và lòng yêu nước, với ý chí đại đoàn kết dân tộc hun đúc từ buổi đầu dựng nước thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta có thể xây dựng đất nước Việt Nam ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ đã dạy.

"Linh thiêng Đất Tổ Hùng Vương" cũng là chủ đề của chương trình nghệ thuật của đêm khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Ngày VH-TT-DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7. Chương trình do NSND Phạm Thị Thành viết kịch bản, NSND Lê Hùng làm Tổng đạo diễn, huy động hơn 1.300 diễn viên của các nhà hát ở Trung ương, các đoàn nghệ thuật dân gian các tỉnh Đông Bắc và học sinh, sinh viên các trường Trung học Phổ thông ở tỉnh Phú Thọ tham gia. Đây là một chương trình sử thi nghệ thuật kết hợp ca múa nhạc và hoạt cảnh sân khấu hoành tráng và hấp dẫn, nhằm làm bật lên sự linh thiêng của Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công lao dựng nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam với các Vua Hùng. Chương trình được dàn dựng theo các chủ đề: Dòng máu Lạc Hồng, Nước Văn Lang, Hạt lúa Vua Hùng, từ Văn Lang đến Thăng Long nghìn năm văn hiến, từ Vua Hùng đến Thời đại Hồ Chí Minh. Kết thúc chương trình là phần diễu hành biểu diễn của các đoàn nghệ thuật của 9 tỉnh vùng Đông Bắc.

Sôi động các hoạt động trong Lễ hội Đền Hùng

Năm nay, quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng được tổ chức với qui mô lớn hơn những năm trước. Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng gắn với các hoạt động của Ngày hội Văn hóa- Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7 là một hoạt động ấn tượng nhất trong ngày đầu tiên của chuỗi 10 ngày của dịp quốc lễ. Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, nét mới của lễ hội năm nay thể hiện ở qui mô lớn hơn, sự tham gia của các địa phương nhiều hơn, chương trình các hoạt động nhiều hơn, 16 đoàn nghệ thuật tham gia, gồm các đoàn của trung ương và địa phương...

Cùng với Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Ngày VH-TT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7, trong ngày mở màn của Lễ hội Đền Hùng năm nay, lần đầu tiên diễn ra Lễ hội dân gian đường phố với chủ đề "Văn hóa Hùng Vương, hội tụ và tỏa sáng". Chương trình có sự tham gia của hơn 3.000 người. Họ là nghệ nhân dân gian của nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, cùng các tỉnh vùng Đông Bắc là: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh và nhân dân các huyện thị trong tỉnh Phú Thọ chia làm 4 hướng, từ sáng sớm 14/4 diễu hành trên các trục phố lớn của thành phố Việt Trì, biểu diễn các loại hình nghệ thuật, trò chơi dân gian tiêu biểu của các địa phương, rồi cùng hội tụ về dự lễ khánh thành Bảo tàng Hùng Vương. Chương trình Lễ hội dân gian đường phố là dịp để tôn vinh nền văn hóa đa dạng của các dân tộc vùng Đông Bắc và các địa phương trong tỉnh Phú Thọ.







Bảo tàng Hùng Vương là dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ nằm trong chương trình chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng 2010 và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Dự án Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ được hoàn thành sau hai năm xây dựng, gồm tổng thể các hạng mục bao gồm: Nhà bảo tàng, Nhà làm việc và khu dịch vụ. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, trên tổng diện tích sử dụng là 3.912 mét vuông, chiều cao tổng cộng cả 3 tầng là 24,8 mét, tổng diện tích sử dụng mặt sàn của toàn bộ công trình là hơn 9.360 mét vuông. Công trình có sự kế thừa những yếu tố kiến trúc truyền thống, nhưng hài hòa với cảnh quan đô thị xung quanh. Khu chính giữa bảo tàng là không gian thông tầng, tạo cho du khách cảm giác như hội tụ cà không gian và thời gian. Nơi đó có khối tượng Lạc Long Quân- Âu Cơ, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, đó là đáng sinh ra giống nòi, tạo nên hình hài dân tộc. Xung quanh là các gian trưng bày. Trong tương lai, bảo tàng Hùng Vương sẽ là một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài nước mỗi khi hành hương về đất Tổ.

Cắt băng khánh thành bảo tàng Hùng Vương


Tại tỉnh Phú Thọ cũng đang diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm ảnh tư liệu ngoài trời Các vùng Kinh đô Việt Nam, trưng bày các hiện vật thời đại Hùng Vương và hiện vật thời Lý - Trần; triển lãm ảnh tư liệu: Giỗ tổ Hùng Vương xưa và nay; Triển lãm sách tư liệu Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam; triển lãm ảnh nghệ thuật giới thiệu tiềm năng du lịch của 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ; hội trại văn hóa ẩm thực các tỉnh Đông Bắc, thi bơi chải trên sông Lô, giải quần vợt hữu nghị, giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương.v.v... Nhiều hoạt động sôi động và đậm bản sắc dân tộc của lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ còn tiếp tục diễn ra từ nay đến ngày 24/4 (tức 10/3 Âm lịch). Cùng với lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào sáng 10/3 Âm lịch, tại tỉnh Phú Thọ còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: chương trình nghệ thuật với chủ đề "Kinh đô Văn Lang- Thăng Long- Hà Nội ngàn năm tỏa sáng", thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, triển lãm trang phục dân tộc, giao lưu hát dân ca các vùng miền, bắn pháo hoa... Các hoạt động đều thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Phú Thọ, các tỉnh bạn, du khách trong và ngoài nước tham gia. Tất cả tạo nên không khí sôi nổi, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tấm lòng của nhân dân cả nước hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên và tự hào mang trong mình dòng máu Lạc- Hồng..

Mặc dù có nhiều hoạt động diễn ra, nhưng nhìn chung tình hình giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường ở tỉnh Phú Thọ và tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng được đảm bảo./.

Theo số liệu của Bộ VH-TT&DL, hiện nay cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong những năm qua, nhân Giỗ Tổ Hùng Vương, (10/3 Âm lịch hàng năm), để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng, một số địa phương có điểm thờ Vua Hùng như: Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang... đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Cùng với Phú Thọ, hiện nay, tại các địa phương trong cả nước, việc cúng Vua Hùng được tổ chức trang trọng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu với tổ tiên đã có công dựng nước, các di tích đền thờ vua Hùng đều được đầu tư, tôn tạo, tu bổ thường xuyên.

                                 
Một số hình ảnh tại Buổi khai mạc Lễ hội







Bài và ảnh: Mai Hồng



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất