Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài hơn 4 năm và làm hơn 250.000 người
chết, đồng thời đang gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ ở châu Âu.
Ngày 25/1, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan
de Mistura tuyên bố cuộc hòa đàm giữa các phe phái đối địch ở Syria, dự
kiến diễn ra ngày 25/1, sẽ bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 29/1
tới và kéo dài trong 6 tháng.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, ông de Mistura nêu rõ thời điểm tiến
hành hòa đàm bị lùi lại do "sự bế tắc" liên quan tới thành phần tham gia
phái đoàn đàm phán. Tuy nhiên, giấy mời các phái đoàn dự kiến sẽ được
được gửi đi trong ngày 26/1.
Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào
việc đạt được một lệnh ngừng bắn, đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà
nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cứu trợ nhân đạo.
Các cuộc đàm phán hòa bình Geneva là một phần trong kế hoạch kéo dài 18
tháng đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 12 năm
ngoái nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria.
Chính quyền Syria đã thông báo sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng,
nhưng cũng nhấn mạnh rằng Damascus cần phải được cung cấp danh sách các
nhóm khủng bố bị cấm tham gia hòa đàm cũng như tên của các nhân vật
thuộc lực lượng đối lập tại Syria dự kiến tham gia hòa đàm.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 25/1, Ngoại trưởng Nga Sergei
Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm về việc chuẩn
bị cho cuộc đàm phán giữa các bên Syria.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga tái nhấn mạnh các bên cần thực
hiện nghiêm túc nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an, bao gồm thành lập
một phái đoàn đại diện cho phe đối lập và thảo luận việc thành lập một
mặt trận thống nhất chống lại các nhóm khủng bố, ngừng bắn, giải quyết
các vấn đề nhân đạo và đề ra các cải cách chính trị trên cơ sở đồng
thuận giữa chính phủ và phe đối lập.
Trong khi đó kênh truyền hình Alh-Arabia dẫn lời một thành viên của phe
đối lập Syria cho biết trong ngày 26/1, lực lượng này sẽ có quyết định
cuối cùng về việc tham gia cuộc đàm phán với Chính phủ Syria.
Nga, Mỹ và các nước Nhóm quốc tế ủng hộ Syria sẽ không tham gia trực
tiếp vào các cuộc đàm phán giữa các bên Syria mà chỉ hỗ trợ các bên
Syria có thể đạt thỏa thuận về tiến trình chuyển tiếp vốn đã được Liên
hợp quốc nhất trí.
Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài hơn 4 năm và làm hơn 250.000 người
chết, đồng thời đang gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ ở châu Âu./.
(TTXVN)