Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh mong rằng không chỉ các nước ASEAN mà cả các nước khác, trong đó có Ấn Độ ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN và các nước liên quan nhằm bảo đảm hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông.
Đối thoại thường niên Ấn Độ-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 5 đã bế mạc tại New Delhi chiều 20/2. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, trưởng đoàn Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng đánh giá cao sự hợp tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ trên mọi lĩnh vực.
Với chủ đề “Ấn Độ-ASEAN: Tầm nhìn về đối tác và thịnh vượng,” trong hai ngày làm việc, phái đoàn các nước ASEAN và Ấn Độ đã thảo luận 5 chủ đề quan trọng, gồm “Hợp tác an ninh Ấn Độ-ASEAN: Tiến tới hoà bình và ổn định”; “Những thách thức an ninh phi truyền thống: An ninh lương thực, quản lý nguồn nước và dịch bệnh”; “Tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu: Vai trò của năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong phát triển bền vững"; “Hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) và khu vực Đông-Bắc Ấn Độ: Những cơ hội và thách thức”; “Mở rộng các mạng lưới thông qua kết nối: Trên bộ, trên biển và trên không.”
Tại cuộc đối thoại, các đại diện và chuyên gia đã phân tích môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh mới; an toàn và an ninh hàng hải của các tuyến hàng hải trên Biển Đông; biện pháp hợp tác nhằm giảm nghèo đói; quản lý nguồn nước, những vấn đề về nước nổi lên từ hoạt động xây đập trên sông, chia sẻ nguồn nước, quản lý nguồn nước cho hoạt động nông nghiệp và nước sạch; các chuyên gia nhấn mạnh dịch bệnh hiện không còn giới hạn trong các biên giới quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp chính sách để đối phó.
Về tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu, các đại biểu cho rằng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc nặng nề vào các nguồn cung ứng năng lượng. Các nước ASEAN, đặc biệt là Myanmar, Việt Nam và Malaysia có thể đóng góp đáng kể cho an ninh năng lượng của Ấn Độ. Ấn Độ và một số nước ASEAN là những nhà nhập khẩu dầu khí và điều quan trọng là phải giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch này; cần có sáng kiến công nghệ và nguồn tài chính để phát triển các nguồn năng lượng thay thế trong khu vực. Do đó, sự hợp tác khu vực để phát triển các nguồn năng lượng thay thế là vấn đề quan trọng.
Các chuyên gia nhận định các nguồn tài nguyên của khu vực Đông-Bắc Ấn Độ và các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam sẽ tạo nên những cơ hội để phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu; các sáng kiến như Hợp tác sông Mekong-sông Hằng sẽ tăng cường kết nối giữa khu vực Đông Bắc Ấn Độ và các nước trên, tạo nên sự phát triển kinh tế-xã hội và khuyến khích sự tiếp xúc giữa người dân.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh Đối thoại Ấn Độ-ASEAN lần thứ 5 diễn ra ở thời điểm rất quan trọng, khi khu vực đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức.
Ông nêu rõ trong khi vẫn duy trì hòa bình, ổn định và nỗ lực hợp tác phát triển, tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy kết nối, khu vực cũng đang phải đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp hơn, những thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia... Đồng thời, trong khu vực cũng có mối tương tác ngày càng lớn giữa các nước lớn với nhau. Điều này đã tạo thuận lợi trong hợp tác khu vực, đồng thời cũng tạo nên những thách thức mới.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định trong bối cảnh đó, vai trò của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, trong đóng góp xây dựng môi trường ổn định và hợp tác phát triển là rất quan trọng. Chính vì vậy, ASEAN rất coi trọng vai trò của Ấn Độ trong nỗ lực chung này.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao thành công của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ hồi tháng 12/2012, trong đó đã đề ra Tầm nhìn và Chương trình hành động; nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên mức đối tác chiến lược. Nhiệm vụ của đối thoại lần này dựa trên tầm nhìn đó để đề xuất những phương án và biện pháp hợp tác.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đề xuất phải nhìn nhận bức tranh toàn cảnh của khu vực cũng như nền tảng quan hệ vững chắc ASEAN-Ấn Độ sẵn có; nhận thấy những thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực, kể cả an ninh truyền thống lẫn an ninh phi truyền thống; thấy được cơ hội và tiềm năng về mặt kinh tế, liên kết.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định Việt Nam ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ trên mọi lĩnh vực. ASEAN đánh giá rất cao vai trò của Ấn Độ và chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á; đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ của Ấn Độ đối với ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng; ASEAN mong muốn Ấn Độ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ sáng kiến liên kết khu vực, cũng như hợp tác khu vực sông Mekong-sông Hằng.
ASEAN-Ấn Độ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, nhất là cùng nhau xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển khu vực, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Thứ trưởng mong rằng không chỉ các nước ASEAN mà cả các nước khác, trong đó có Ấn Độ ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN và các nước liên quan nhằm bảo đảm hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các công ước về luật biển, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố 6 điểm của ASEAN.../.
(TTXVN)