Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 20/2/2013 15:54'(GMT+7)

ASEAN quan ngại về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Binh sỹ và người dân Bình Nhưỡng trong buổi lễ mừng thành công của vụ thử hạt nhân thứ ba. (Nguồn: Xinhua)

Binh sỹ và người dân Bình Nhưỡng trong buổi lễ mừng thành công của vụ thử hạt nhân thứ ba. (Nguồn: Xinhua)

Tuyên bố từ Ban Thư ký ASEAN đề nghị Triều Tiên thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đối với các nghị quyết 1718 (năm 2006), 1874 (năm 2009) và 2087 (năm 2013) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các cam kết trong Tuyên bố chung đàm phán 6 bên ngày 19/9/2005.

Tuyên bố nhấn mạnh ASEAN một lần nữa khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với tất cả các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và sớm nối lại tiến trình đàm phán 6 bên. ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại để thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các bên liên quan nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị của Liên hợp quốc tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ, Bí thư thứ nhất phái bộ ngoại giao Triều Tiên tại Geneva, Jon Yong Ryong tuyên bố vụ thử hạt nhân ngày 12/2 của Triều Tiên là một biện pháp "tự vệ" đáp lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên đã "thể hiện kiềm chế một cách tối đa."

Nhà ngoại giao Triều Tiên cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ theo đuổi cách tiếp cận thù địch đối với Triều Tiên, tình hình sẽ phức tạp thêm và sẽ chỉ dẫn đến Triều Tiên có những bước đi mạnh hơn.

Giới truyền thông dẫn lời ông Jon Yong Ryong phát biểu tại hội nghị trên cảnh cáo Hàn Quốc rằng "cách cư xử thất thường của Seoul sẽ chỉ dẫn đến sự hủy diệt cuối cùng dành cho họ."

Trước đó, Mỹ đã khẳng định rằng việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân vi phạm các nghĩa vụ quốc tế và các nghị quyết Liên hợp quốc hoàn toàn không phải là hành động phòng vệ.

Cùng ngày 19/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết Mátxcơva sẽ không ủng hộ những biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại nhằm vào Triều Tiên.

Theo quan chức này, những trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không nên vượt quá mục tiêu là không phổ biến hạt nhân và Nga sẽ không ủng hộ những trừng phạt có thể gây tổn hại cho các quan hệ kinh tế và thương mại bình thường giữa Mátxcơva và Bình Nhưỡng.

Thứ trưởng Gatilov cho rằng mục tiêu cần theo đuổi là nối lại đàm phán 6 bên và Nga vẫn giữ quan điểm cần có dàn xếp ngoại giao cũng như chính trị cho vấn đề này./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất