Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 24/12/2008 11:30'(GMT+7)

Ấn Độ - thị trường tiềm năng của Việt Nam

Đó là nhận định của ông Rajeev Garg, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (InCham) khi trao đổi với báo giới bên lề chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu các doanh nghiệp Ấn Độ và Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội, vừa diễn ra tại Hà Nội.

- Theo dự kiến, đầu năm 2009, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ được ký kết. Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới?

Khi Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ - ASEAN được hoàn tất, cơ hội hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các nước ASEAN sẽ tăng lên rất nhiều.

Hiện Ấn Độ được mệnh danh là xưởng sản xuất lớn của thế giới nên nhu cầu đối với nguyên liệu cũng như các sản phẩm khác từ các nước ASEAN cũng rất lớn. Khi hiệp định trên được ký kết không chỉ hàng hóa của các nước trong khu vực ASEAN mà nhiều hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Ấn Độ dễ dàng hơn.

- Ông có thể nói rõ hơn về những sản phẩm thuộc nhóm ngành nào của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ trong thời gian tới?

Nông sản Việt Nam sẽ là một mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ vì đó là những sản phẩm có chất lượng cao, trong khi đó mức giá lại khá phù hợp.

Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng điện tử và phụ kiện máy tính vào Ấn Độ. Những mặt hàng này hiện đang có nhu cầu rất lớn tại đây.

Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như khoáng sản, xi măng, vật liệu xây dựng… cũng là những mặt hàng mà Ấn Độ trong quá trình phát triển rất cần nhưng tài nguyên lại hạn chế. 

- Như vậy, cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ là rất lớn. Nhưng với môi trường kinh doanh hiện tại ở Việt Nam, theo nhận định của ông đâu là những thuận lợi và khó khăn mà các doanh nghiệp Ấn Độ thường gặp phải?

Việt Nam là một trong những nước khá thân thiện với các nhà đầu tư. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đã đến Việt Nam để nghiên cứu phát triển công nghệ phần mềm. Ấn Độ cũng đang là một trong những nước cung cấp dược phẩm hàng đầu cho Việt Nam.

Tuy nhiên, những khó khăn mà các doanh nghiệp Ấn Độ đang gặp phải đó là vẫn là hành lang pháp lý còn nhiều điều chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn trong quá trình giao lưu, hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước.

- Hiện nay, thành phố Hà Nội đã mở rộng gấp 3 lần so với trước đây, ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư của Hà Nội và để thu hút được nhà đầu tư Hà Nội cần phải quan tâm tới những vấn đề gì?

Phải thẳng thắn thừa nhận đến thời điểm này hiểu biết về Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ còn chưa nhiều. Do đó việc tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng nên quan tâm hơn đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hạ tầng như giao thông vì tình trạng ùn tắc đường liên miên cũng có thể là một trong những yếu tố làm nản lòng các nhà đầu tư.

- Ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu hiện đang lan rộng. Ông có dự báo gì về kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2009 tới?

Các nước trên thế giới hiện nay đều phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng  tài chính, nhưng theo tôi ngay cả điều này cũng không làm ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thương mại song phương giữa hai quốc gia trong năm nay cũng như trong năm tới.

Theo thống kê, chỉ tính đến hết tháng 10 năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước đã là 2,1 tỷ USD, vượt qua con số 2 tỷ USD của cả năm trước. Trong số này, Ấn Độ xuất sang Việt Nam 1,8 tỷ USD, Việt Nam xuất sang Ấn Độ là 300 triệu USD.

Trong năm 2009, kim ngạch song phương giữa hai nước vẫn có thể đạt đến 2,5 tỷ USD do các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đều là những mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc….

- Vậy trong chuyến thăm và làm việc này, dự kiến sẽ có bao nhiêu hợp đồng kinh tế được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước, thưa ông?

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ với Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội và các doanh nghiệp Hà Nội nên chưa thể nói nhiều về các hợp đồng sẽ ký kết.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này sẽ đặt nền móng tốt cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Theo đó, chúng tôi sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường cũng như nhu cầu tìm kiếm đối tác của cả hai bên để các doanh nghiệp cùng hợp tác mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Hà Nội - Ấn Độ ngày càng phát triển và thịnh vượng./.

Thuý Nhung (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất