Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 23/12/2008 21:14'(GMT+7)

Kinh tế Việt Nam 2009: Tạo thế vững chắc cho tăng trưởng

Du khách nước ngoài xem Việt Nam là điểm du lịch lý thú, hấp dẫn. Ảnh: Du khách bày tỏ niềm vui khi đến TPHCM

Du khách nước ngoài xem Việt Nam là điểm du lịch lý thú, hấp dẫn. Ảnh: Du khách bày tỏ niềm vui khi đến TPHCM

Bức tranh chưa sáng sủa

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thì kinh tế thế giới trong năm 2009 có thể xấu hơn so với những dự báo hiện nay và VN không thể “miễn nhiễm” được.

Dấu hiệu kinh tế VN đình trệ đã rõ nét: kim ngạch xuất khẩu giảm do nhu cầu giảm và giá cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN như dầu thô, cà phê, cao su… đều giảm; thất nghiệp gia tăng; thâm hụt ngân sách tăng do nguồn thu bị thu hẹp trong khi nhu cầu chi lại tăng mạnh (theo ước đoán của IMF và ADB thì năm 2008 VN thâm hụt ngân sách 7% GDP và sẽ cao hơn nữa trong năm 2009); nguồn thu ngoại tệ từ du lịch cũng giảm…

Từ thực tế đó, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho rằng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 13% của năm 2009 so với năm 2008 sẽ rất khó đạt. Không những vậy, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt, nhất là cạnh tranh về giá; đồng thời sẽ gặp thách thức lớn từ làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ.

Còn theo chuyên gia tài chính độc lập Bùi Kiến Thành, lãi suất (LS) cơ bản giảm xuống còn 8,5%/năm đã đưa LS cho vay tối đa còn 12,75%/năm và xu hướng giảm LS sẽ tiếp diễn. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp (DN) nhưng lại là vấn đề làm đau đầu các ngân hàng thương mại.

Bởi các ngân hàng đang “ôm” một lượng lớn vốn với chi phí cao có được từ thời kỳ thắt chặt tiền tệ nên sẽ đối mặt với nguy cơ lỗ khi cho vay với LS khá thấp. Xuất khẩu đương nhiên bị co lại, lượng vốn đầu tư gián tiếp cũng khó thể tăng vì đa số các tổ chức đầu tư và các quỹ đầu tư đều có xu hướng thu hồi vốn về để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách ở chính quốc.

Lượng kiều hối nhiều khả năng giảm mạnh do nhiều nền kinh tế đang suy thoái, nhu cầu nhập khẩu lao động và tích lũy tiết kiệm của bà con Việt kiều giảm sút.

Ưu tiên hàng đầu: tạo việc làm

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì hiện tại “sức khỏe” của kinh tế VN rất yếu cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Do vậy, chúng ta không thể thủng thẳng nữa mà phải hành động nhanh và mạnh, phải lo xa để tránh lúng túng khi “lâm trận”.

Sắp tới, chống suy thoái, bảo đảm tăng trưởng là mục tiêu cần thiết nhưng ưu tiên hàng đầu phải là ổn định vĩ mô và tạo thêm việc làm; thu nhập của nhóm người nghèo, lòng tin và sự ổn định xã hội mới quan trọng hơn.

Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá cũng phải tính toán hợp lý để vừa kích thích xuất khẩu vừa hỗ trợ giảm nhập khẩu, tránh tình trạng để hàng hóa giá rẻ tràn vào nước ta. Chúng ta không nên quan trọng hóa những mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn mà nên coi năm 2009 là quãng thời gian để đẩy mạnh cải cách, tích lũy cơ hội, tạo lập các cơ sở thể chế vững chắc cho quá trình tăng trưởng lâu dài sau này.

Nói thêm về gói kích cầu của Chính phủ, ông Thiên cho rằng cần phải có một cơ quan giám sát việc giải ngân và thực thi gói kích cầu này đồng thời phải đề ra tiêu chuẩn rót vốn nếu không sẽ chi tiền sai địa chỉ và nguy cơ trở lại cơ chế bao cấp và xin cho.

Về phía các DN, ông Trương Đình Tuyển nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho biết, năm 2009, LS tín dụng thấp hơn cùng cơ chế LS thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho phát triển đầu tư-sản xuất-kinh doanh; riêng các DN vừa và nhỏ sẽ có cơ chế bảo lãnh tín dụng.

Tuy nhiên, để trụ vững, ông Tuyển khuyến cáo các DN nên coi trọng việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, xem thị trường nội địa là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường một cách căn cơ. Khi các thị trường đã liên thông thì không thể chiến thắng trên sân khách khi thua ngay trên sân nhà. DN phải xác định tư tưởng gói kích cầu là cơ hội để đầu tư-sản xuất-kinh doanh, do vậy DN phải tích cực chuẩn bị để nắm bắt được cơ hội này.

Còn TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng Nhà nước nên điều chỉnh chính sách theo tín hiệu thị trường chứ không nên thay đổi đột ngột làm DN trở tay không kịp, vừa làm mất niềm tin của DN và người dân vừa gây tác dụng ngược đối với hiệu quả thực thi chính sách.

Ông Anh cũng nhấn mạnh đến ưu tiên tạo ra công ăn việc làm cho 1,7 triệu lao động mới trong năm 2009, kích thích xuất khẩu để giảm thâm hụt thương mại, cân đối cán cân thanh toán, tạo nguồn thu ngoại tệ để giảm sức ép lên tỷ giá. Ngoài ra, phải cải thiện an sinh xã hội và hạn chế bất ổn xã hội, nhất là khu vực nông thôn, bởi đây là nền tảng cho sự ổn định và phát triển đất nước. 

(SGGP điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất