Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 15/6/2012 22:11'(GMT+7)

An Giang: Đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Các dự án khoa học kỹ thuật, ứng dụng đổi mới công nghệ như nghiên cứu cải tiến và sản xuất thử nghiệm máy gặt đập liên hợp; nghiên cứu sản xuất máy phân ly lúa giống; nghiên cứu sản xuất máy ép gạch cải tiến, ứng dụng công nghệ lò nung gạch Hoffiman trong chuyển đổi lò nung gạch thủ công; ứng dụng hệ thống năng lượng mặt trời để tạo nước nóng sinh hoạt cho bệnh viện… đang từng bước được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang.

Các dự án ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản như xây dựng mô hình áp dụng kỹ thuật "1 phải 5 giảm" trong sản xuất lúa, chuyển giao quy trình nhân nuôi nấm xanh tại quy mô nông hộ; phát triển mô hình trồng cây có hoa trên bờ ruộng lúa để thu hút thiên địch, phòng trừ sâu, rầy hại lúa; sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các đề tài: Thử nghiệm xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá linh ống trong ao đất, nuôi tôm thương phẩm trong ao đất. Phát triển mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo, mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp và tự chế, mô hình chăn nuôi heo an toàn, xây dựng mô hình sản xuất và tập huấn sử dụng giống nấm men thuần trong sản xuất rượu gạo, nếp.

Nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần giúp cho các địa phương và nông dân ứng dụng để xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực như dự án phục tráng các giống lúa đặc sản có phẩm chất cao. Xây dựng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn gạo sạch bằng phương pháp hữu cơ sinh học tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nhiều giống lúa chống chịu sâu rầy, giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, các giống lúa thơm Jasmine 85 Châu Phú, phục tráng giống nếp Phú Tân có chất lượng tốt được ứng dụng, góp phần tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm và gia tăng lợi nhuận cho nông dân, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các công nghệ sinh học được ứng dụng đa dạng, nhiều ngành nghề như khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa- Tân Châu, nghiên cứu trích ly enzym bromelin từ vỏ khóm và ứng dụng vào công nghệ chế biến mắm cá ngắn ngày, chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá linh, cá lăng, cá chạch lấu, cá leo, cá bống tượng, cá heo. Ngoài ra, các dự án trạm cung cấp thông tin tại 11 xã xây dựng nông thôn mới cũng đang góp phần thúc đẩy các xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương.

Có thể nói, chính sách đưa các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại hiệu quả tích cực. Những hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống phù hợp với nhu cầu thực tế ở địa phương đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm trên địa bàn tỉnh./.

TH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất