Theo Tân Hoa Xã ngày 10/6, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yokohama, Nhật Bản vừa cho biết họ đã sử dụng các tế bào gốc đa năng cảm ứng ( iPS) có thể phát triển thành các tổ chức và cơ quan khác nhau để cấy ghép vào trong cơ thể chuột và nuôi dưỡng thành tổ chức tương tự như gan người với thể tích nhỏ nhưng vẫn có thể phát huy những tác dụng thông thường.
Kết quả này đem lại hi vọng nuôi dưỡng các cơ quan cấy ghép nội tạng và phát triển loại thuốc điều trị mới.
Giáo sư Hideki Taniguchi, người đứng đầu nghiên cứu trên cho biết ông đã sử dụng tế bào iPS của người để nuôi dưỡng thành tế bào tiền thân gan. Sau đó thêm vào các tế bào nội mô mạch máu và tế bào trung mô cần thiết để tạo thành mạch máu và các tổ chức.
Sau khi tiến hành nuôi dưỡng thêm nhiều ngày nữa, các nhà nghiên cứu sẽ cấy tổ chức có đường kính khoảng 5mm này vào trong đầu chuột.
Sau vài ngày tại phần tổ chức được cấy ghép này xuất hiện mạng lưới mạch máu, hai tháng sau đó nó bắt đầu kết hợp thành protein đặc trưng của con ngườiđồng thời có thể phát huy chức năng phân giải độc tố.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tổ chức này có chức năng tương tự với những chức năng ở gan người.
Trước đó mặc dù đã có nhà nghiên cứu sử dụng tế bào iPS người để nuôi dưỡng thành tế bào gan, nhưng đã thất bại bởi việc nuôi dưỡng cơ quan với cấu trúc ba chiều phức tạp không hề đơn giản.
Ông Hideki Taniguchi cho biết đây là lần đầu tiên nuôi dưỡng thành công tế bào iPS thành cơ quan của người đồng thời xác nhận được chức năng của nó./.
Thùy Linh (Vietnam+)