Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 11/6/2012 16:52'(GMT+7)

Bản đồ sương muối, "lá chắn thép" cho cây công nghiệp

TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN đang giới thiệu một số giống cao su mới tại Cty CP cao su Sơn La nhân dịp đoàn Bộ KH&CN đến thăm và làm việc.

TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN đang giới thiệu một số giống cao su mới tại Cty CP cao su Sơn La nhân dịp đoàn Bộ KH&CN đến thăm và làm việc.

Sương muối là một hiện tượng đặc thù ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại, sương muối và sương giá là những hiện tượng rất nguy hại đối với cây trồng, trong đó sự sinh trưởng, phát triển, hình thành năng suất và hiệu quả kinh tế của các cây dài ngày phụ thuộc rất nhiều vào sự tác động của sương muối và nhiệt độ thấp. Tác hại nghiêm trọng của các đợt sương muối đối với các mô hình trồng cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cao su và cà phê ở vùng Tây Bắc trong những năm gần đây đã minh chứng cho ảnh hưởng của nó.

Theo ước tính, hàng năm vào mùa đông có vùng đến 70-80% diện tích cao su bị hại do lạnh và sương muối. Cũng theo kết quả khảo sát của nhóm thực hiện đề tài, trong những năm qua, sương muối đã làm hàng nghìn hecta cà phê không ra quả và chết dần. Đặc biệt là các đợt rét kéo dài năm 2008 và mới đây nhất là đợt rét năm 2011, nhiều diện tích cao su bị héo lá, chết ngọn. Riêng đợt rét năm 2011, khoảng 5% diện tích cao su đã trồng của 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đều bị hại.

Nhận thấy sự thiệt hại to lớn đối với sản xuất cà phê, cao su chủ yếu do điều kiện thời tiết – khí hậu mà đặc biệt là sương muối gây ra. Một số tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, điều tra khảo sát tình hình sương muối ở địa phương nhằm có những biện pháp phòng tránh và quy hoạch thích hợp. Nhiều nghiên cứu đã góp phần không nhỏ trong việc phục vụ sản xuất và phát triển các cây công nghiệp trong đó có cao su và cà phê. Song, trước đây các nghiên cứu được tiến hành trong điều kiện số liệu và kỹ thuật tính toán còn nhiều hạn chế, việc nghiên cứu đánh giá chủ yếu chỉ tập trung khai thác số liệu của các trạm, trại và cơ quan nghiên cứu của ngành nông nghiệp, các trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV), khí tượng nông nghiệp (KTNN),... mà chưa có nghiên cứu nào có điều kiện được thu nhận dữ liệu và tính toán từ các công nghệ và mô hình tiên tiến như: hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám (RS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vì vậy kết quả thu được còn hạn chế, khó áp dụng trên diện rộng.

Tín hiệu “lành” cho cây công nghiệp

Theo TS. Dương Văn Khảm (Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường) - chủ nhiệm đề tài “Bản đồ phân vùng sương muối và nhiệt độ thấp” có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho cây công nghiệp vùng Tây Bắc. Tập bản đồ nghiên cứu với 6 nội dung chính, bao gồm: Bản đồ về ngày bắt đầu và kết thúc sương muối với 5 mức suất bảo đảm: 5%; 20%; 50%; 80% và 95%, Bản đồ về xác suất xảy ra sương muối trong thời kỳ có sương muối (các tháng 11, 12, 1, 2 và 3), Bản đồ về mức độ khắc nghiệt của sương muối đối với cao su và cà phê với các mức xác suất, Bản đồ phân bố nhiệt độ thấp theo các mức xác suất 5%; 10%; 20%; 50%; 80% và 95% ảnh hưởng tới cao su và cà phê, Bản đồ phân bố thời gian có khả năng xuất hiện nhiệt độ thấp có hại cho cao su và cà phê theo các mức xác suất 5%; 10%; 20%; 50%; 80% và 95% và Bản đồ khoanh vùng mức độ an toàn sương muối đối với cao su và cà phê ở vùng Tây Bắc.

TS. Nguyễn Văn Lạng, thứ trưởng Bộ KH&CN trao đề án “Bản đồ phân vùng sương muối và nhiệt độ thấp” cho ông Lê Xuân Phùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.


Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn các phương pháp nghiên cứu mới và hợp lý, sử dụng dữ liệu viễn thám kết hợp với các dữ liệu khí tượng thủy văn và công nghệ GIS trong quá trình xây dựng bản đồ và xây dựng mô hình giám sát cảnh báo sương muối, nhiệt độ thấp tại 3 tỉnh Tây Bắc. Quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm đã đánh giá được các đặc trưng và diễn biến sự xuất hiện sương muối, nhiệt độ thấp có hại cho cao su và cà phê, xây dựng được mối quan hệ giữa các yếu tố khí tượng với sự hình thành sương muối và xây dựng các kịch bản xuất hiện sương muối. Trong đó đã nhấn mạnh đến yếu tố nhiệt độ là yếu tố quan trọng quyết định đến sự hình thành sương muối, với các ngưỡng nhiệt độ 00C, 20C, 50C, tương ứng với các ngưỡng này là khả năng suất xuất hiện sương muối 96%, 48%, và 22%. Ngoài ra, đề tài còn phân tích đến các yếu tố có liên quan, tuy nhiên các yếu tố này không đạt đến ngưỡng nhất định thì sương muối cũng khó xảy ra đó là: độ ẩm không khí trong khoảng 75-95% (đơn vị độ ẩm), tốc độ gió từ 0 đến 2m/s… Từ những kết quả phân tích này làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng bản đồ đặc trưng sương muối, nhiệt độ thấp và xây dựng mô hình giám sát, cảnh báo sương muối khu vực nghiên cứu.

Cũng theo ông Phan Thành Dũng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam, đề tài nghiên cứu trên khi được triển khai ứng dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho triển vọng phát triển cây cao su, cà phê của vùng Tây Bắc. Qua thực nghiệm cho thấy, bản đồ phân vùng mức độ an toàn sương muối và nhiệt độ thấp không những phục vụ trực tiếp cho việc qui hoạch và phát triển cây cao su, cà phê mà còn có thể phục vụ cho việc chỉ đạo qui hoạch và sản xuất các cây trồng khác. Bên cạnh đó, đề tài còn cung cấp các công cụ giám sát, cảnh báo sương muối, phục vụ phát triển nông lâm ngư nghiệp, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình, các công ty cao su, cà phê ở các tỉnh trong vùng.

Ngoài việc tìm ra quy luật thời tiết, sự ảnh hưởng của sương muối, nhóm nghiên cứu đề tài cũng chỉ các phương pháp phòng chống và ứng phó hiệu quả như: trồng rừng phòng hộ để phòng sương muối, trồng cây công nghiệp ở các địa hình thích hợp, có độ dốc, độ thấp hợp lý nhằm tránh sương muối và thời tiết giá rét. Đặc biệt, việc nghiên cứu tạo ra các giống cao su, cà phê mới có khả năng thích ứng với các hình thái thời tiết phức tạp sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển và mở rộng diện tích cây công nghiệp của vùng./.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp
Trung tâm Truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN))

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất