Thứ Sáu, 22/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 12/12/2018 9:5'(GMT+7)

An Giang : Từ giảm học sinh bỏ học đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. An Giang thực hiện chuỗi liên kết: Từ giảm học sinh bỏ học đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm

An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên là 3.536,7 km2 gồm có 02 thành phố: Thành phố Long Xuyên, Thành phố Châu Đốc, 1 thị xã: Thị xã Tân Châu và 8 huyện: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn. An Giang là tỉnh có dân số đông với gần 2,2 triệu người. Có thể nói, An Giang có những nét đặc trưng rất riêng biệt so các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long như vừa có đồng bằng, lại có núi, có rừng và hai con sông Tiền, sông Hậu trải dài rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng cá nước ngọt (1).

Tuy nhiên, trong nhiều năm, An Giang đã tự trói mình trong khuôn khổ của nông nghiệp với sản xuất lúa, thủy sản mà không chú ý tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, đến nay, An Giang vẫn là tỉnh có trình độ dân trí thấp. Lao động chưa qua đào tạo, lao động thiếu việc làm còn nhiều. Vì vậy, tỉnh luôn xác định đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Để thực hiện điều đó, An Giang xây dựng có hiệu quả chuỗi liên kết theo hướng từ giảm bỏ học đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Hiệu quả từ giảm học sinh bỏ học

Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, các địa phương đã thực hiện tốt “Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học”“Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2008 thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học” đã có tác dụng và hiệu quả tích cực trong việc huy động học sinh đến trường. Công tác huy động học sinh trong “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” hằng năm được các cấp ủy, chính quyền huyện và xã (phường, thị trấn) quan tâm tích cực. Các đơn vị trường học đều có kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; quan tâm sửa chữa cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ để thu hút học sinh đến trường. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU tình trạng học sinh bỏ học ở hầu hết các cấp học có xu hướng giảm dần qua từng năm học.

Để giảm trình trạng học sinh bỏ học, các trường đã thành lập Ban chỉ đạo công tác chống bỏ học, tham mưu với cấp ủy, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã để xây dựng kế hoạch vận động, thành lập các đoàn vận động học sinh ra lớp, hỗ trợ nhà trường (quần áo, tập vở,…) nhằm huy động học sinh bỏ học trở lại trường. Đồng thời, ngành giáo dục và đào tạo ở các địa phương đã tổ chức bồi dưỡng cho học sinh yếu kém có nguy cơ bỏ học; phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các cấp trong việc tổ chức xét cấp học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với học sinh như: miễn, giảm học phí cho học sinh có sổ hộ nghèo, học sinh là người dân tộc, học sinh con gia đình thương binh liệt sĩ;... Song song đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị cơ sở phân công từng thành viên phụ trách các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ cụ thể. Trong công tác vận động, các tổ chức, cá nhân còn chú trọng và quan tâm tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của gia đình, học sinh. Từ đó, đưa ra những biện pháp vận động, hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, động viên, hướng dẫn cho cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học tập của con em để phối hợp với nhà trường cùng chăm lo giáo dục. Nhờ đó, số lượng học sinh bỏ học trong tỉnh đã được giảm xuống qua từng năm.

Đến đào tạo nghề

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018 “toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 59.900 người, đạt 100,8% so với kế hoạch (trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng là 1.765 sinh viên, trung cấp là 1.509 học sinh, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 03 tháng là 56.626 người). Qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53,3% lên 56,6% năm 2017”. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh đã ban hành “Đề án số 572/ĐA-UBND về việc sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”. Theo đó, tỉnh thực hiện sắp xếp tinh gọn, sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vào trường trung cấp, trung cấp nghề đối với các huyện có 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, An Giang còn thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo theo Quyết định số 3373/QĐ-UBND Đề án “Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, người học được miễn 100% học phí; hỗ trợ học bổng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng theo thời gian thực học và không quá 10 tháng/năm học khi học các ngành, nghề nặng nhọc độc hại theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, năm 2018 “toàn tỉnh đã tổ chức 442 lớp đào tạo nghề cho 13.260 học viên (đạt 102% kế hoạch năm), với kinh phí hỗ trợ dạy nghề trên 10 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức 275 lớp, đào tạo nghề cho trên 8.500 học viên, kinh phí hỗ trợ đào tạo trên 7,5 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp tổ chức 167 lớp, đào tạo cho 4.700 học viên, với kinh phí hỗ trợ dạy nghề trên 2,5 tỷ đồng”. Người lao động sau khi học nghề xong được doanh nghiệp tiếp nhận bố trí việc làm tại doanh nghiệp chiếm trên 80%.

Và giải quyết việc làm

Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nên số lượng người lao động tìm được việc làm tương đối cao, giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 208.689 ngàn người, đạt 101,8% so với kế hoạch đề ra. Qua đó, “đã góp phần kiềm chế, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3% và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được nâng dần lên đạt khoảng 84%. Số lao động tham gia trong các ngành kinh tế quốc dân đến năm 2015 ước tính khoảng trên 1.210 nghìn người, trong đó: lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 52%, công nghiệp - xây dựng chiếm 14,5% và thương mại - dịch vụ chiếm 33,5%. Cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53,3%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 38,8%”(3).

Để giải quyết việc làm hiệu quả, nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Nghề An Giang, Trường Trung cấp Nghề ở các địa phương đã hướng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội; gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường là hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững của các trường nghề. Nhìn chung, công tác giải quyết việc làm thời gian qua được các ngành, các cấp trong tỉnh An Giang quan tâm triển khai thực hiện, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để giải quyết việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đều có việc làm. Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 31.000 lao động. Năm 2018, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Phấn đấu duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 4%. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo, góp phần tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Một số hạn chế, bất cập trong xây dựng chuỗi liên kết: Từ giảm học sinh bỏ học đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Một là, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp của các cấp, các ngành, xã hội và người lao động chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan và giữa các địa phương chưa chặt chẽ trong việc tuyên truyền, tư vấn và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Mạng lưới các trường đào tạo nghề, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô và chất lượng. Các trường chưa đa dạng được ngành nghề đào tạo cho phù hợp với địa phương và nhu cầu của thị trường lao động.

Hai là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trong việc thực hiện tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề đào tạo cho học sinh nên chưa thu hút được học sinh tham gia học nghề. Một bộ phận học sinh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do học lực trung bình yếu, các em có tâm lý chán học… nên nhiều em nghỉ học hoặc nếu các em có tham gia các lớp đào tạo nghề chỉ tham gia trong thời gian ngắn không thể tham gia các lớp dài hạn (vì phải phụ giúp gia đình) nên trình độ tay nghề còn yếu, khó tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao.

Ba là, công tác hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông còn mang tính chung chung, nặng về lý thuyết; hầu hết giáo viên phụ trách hướng nghiệp chưa am hiểu về thị trường lao động trong và ngoài nước; lĩnh vực, ngành nghề xã hội có nhu cầu tuyển dụng ở từng thời điểm,.v.v… dẫn đến tình trạng học sinh chưa có nhận thức rõ ràng để lựa chọn ngành nghề học cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Nhiều nhà đầu tư còn ái ngại đầu tư lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vì đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng tiến độ thu hồi chậm, lợi nhuận không cao. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xã hội hóa lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp chưa đủ sức hút các tư nhân đầu tư.

Bốn là, cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ và chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đồng đều giữa các địa bàn, chưa tạo được niềm tin vững chắc để phụ huynh an tâm gửi con vào học loại hình này. Một số cơ sở giáo dục thường xuyên trong tỉnh (tự chủ về tài chính) không đủ khả năng chi bù cho hoạt động dạy và học của hệ giáo dục thường xuyên nên gặp rất nhiều khó khăn. Ngành Giáo dục và Đào tạo còn đơn độc trong thực hiện, chưa kết nối được các đơn vị liên quan và chưa đề ra giải pháp cụ thể, cũng như chưa phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị tham gia.

Năm là, các khu công nghiệp trong tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư mở thêm ngành nghề mới để thu hút lao động vào làm việc. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hiện nay chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông (chỉ yêu cầu biết đọc, biết viết) cho nên đã thu hút nhiều lao động đi làm ngay không cần qua đào tạo. Số lượng lao động được giải quyết việc làm đa số là lao động phổ thông cho nên việc làm chưa thật sự bền vững. Số lao động qua đào tạo nghề vẫn còn thấp, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế về chuyên môn, tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động…, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng (4).

3. Một số giải pháp nhằm phát triển bền vững chuỗi liên kết: Từ giảm bỏ học đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thứ nhất, nhóm giải pháp giảm học sinh bỏ học

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kế hoạch 15/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Ngành Giáo dục và Đào tạo, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, ban giám hiệu, giáo viên các trường học cần tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác huy động học sinh đến trường, chống bỏ học; nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tận tâm, tận lực giúp đỡ học sinh; không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy; xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm thân thiện, thu hút học sinh gắn bó với trường, lớp. Đồng thời, tạo các dự án, mô hình kinh tế hiệu quả của địa phương để nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho cha mẹ học sinh tại địa phương, làm tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo; phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh bỏ học, lưu ban, học sinh gặp khó khăn trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ trong ngăn chặn học sinh bỏ học. Có chính sách hỗ trợ cho học sinh là đồng bào dân tộc Khơ-me, Chăm như: hỗ trợ ăn trưa tại trường, cấp học bổng cho học sinh… để thu hút học sinh đến trường. Bên cạnh đó, Nhà trường cần phối hợp với các đoàn thể xã hội trong hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho nhà trường. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời nắm tình hình thực hiện chỉ thị tại các địa phương, đơn vị; kịp thời chỉ đạo các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn. Tăng cường huy động sự tham gia đóng góp của xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư giáo dục. Vận  động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục.

Thứ hai, nhóm giải pháp đào tạo nghề

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề nghiệp đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các trường Đại học, cao đẳng và các trường nghề trên địa bàn tỉnh chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động; khuyến khích các nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để hỗ trợ nhau về chuyên môn, trang thiết bị đào tạo. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt, kịp thời các chính sách hỗ trợ và gắn kết công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tạo nguồn nhân lực có chất lượng tại địa phương và đáp ứng trình độ đi làm việc ở nước ngoài. Tạo điều kiện khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trước hết là ở các trường được chọn các ngành, nghề trọng điểm. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, năng lực quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp và năng lực của nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo đã đề ra; tình hình quản lý và sử dụng kinh phí đầu tư để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, nhóm giải pháp giải quyết việc làm

Tỉnh cần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, cùng các cấp, các ngành cần hỗ vốn vay để giải quyết việc làm cho người lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm để tạo thêm chỗ làm mới.

Song song đó, cần đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày để tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tỉnh cần thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm, ngày hội việc làm, điểm hẹn việc làm và các diễn đàn về nghề nghiệp, việc làm để người lao động kịp thời nắm bắt cơ hội nghề nghiệp, cũng như tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực và trình độ. Tỉnh cần xây dựng và hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về cung lao động, nhất là bản đồ lao động và số hóa bản đồ này để thông tin trên mạng internet và phục vụ công tác quản lý trên toàn tỉnh; tổ chức công tác dự báo về thị trường lao động định kỳ trên địa bàn tỉnh để định hướng phát triển và có chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng tích cực. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phạm Ngọc Hòa - Học viện Chính trị khu vực IV 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất