I. Căn cứ xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng
- Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13);
- Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
- Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
II. Một số khái niệm có liên quan
1. Kiến thức là sự hiểu biết, nhận thức và am hiểu của một cá nhân về một nội dung, một chủ đề thuộc một lĩnh vực học tập, nghề nghiệp nhất định.
2. Kiến thức lý thuyết là sự hiểu biết, nhận thức và am hiểu về những khái niệm, nguyên tắc, quy luật của một lĩnh vực học tập nhất định.
3. Kiến thức thực tế là sự am hiểu về thông tin, sự kiện thực tế được tổng kết, đúc rút từ hoạt động thực tiễn và được chứng minh là đúng.
4. Kỹ năng là khả năng áp dụng những gì đã học được để thực hiện một công việc đạt được kết quả đã được định trước trong một khoảng thời gian và với những điều kiện cho trước.
5. Kỹ năng nhận thức là khả năng nhận biết, lựa chọn, lưu giữ, xử lý thông tin của một cá nhân bao gồm trí nhớ, khả năng xử lý linh hoạt, logic và tốc độ xử lý thông tin.
6. Kỹ năng thực hành nghề nghiệp là khả năng, mức độ áp dụng kiến thức, kỹ năng trong quá trình học tập vào thực tế nghề nghiệp.
8. Vị trí việc làm là tập hợp các nhiệm vụ bao gồm nhóm công việc được thực hiện bởi một cá nhân.
9. Nhiệm vụ là nhóm các công việc có liên quan tạo thành một phạm vi làm việc trong mỗi vị trí việc làm.
10. Công việc thể hiện qua mô tả là có một sự khởi đầu và kết thúc, có kết quả cụ thể bằng một sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình.
11. Năng lực thể hiện khả năng chuyển tải các kỹ năng, kiến thức và thái độ vào các tình huống trong làm việc.
12. Đơn vị năng lực là sự trình bày chi tiết về một việc được làm như thế nào, cách thức thực hiện và kiến thức nền tảng được áp dụng.
13. Năng lực cơ bản: gồm những năng lực áp dụng để làm việc nói chung không dành riêng cho một nghề hoặc một ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
14. Năng lực chung: gồm những năng lực bắt buộc phải có khi làm việc trong một ngành công nghiệp cụ thể;
15. Năng lực chuyên môn: gồm những năng lực cần thiết của nghề mà một cá nhân cần có để được thừa nhận là có năng lực tại một cấp độ cụ thể.
16. Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp là số lượng môn học, mô đun hoặc tín chỉ được quy định trong chương trình đào tạo mà người học phải đạt được khi hoàn thành chương trình đào tạo tùy theo từng ngành, nghề và từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
17. Năng lực của người học đạt được sau khi tốt nghiệp là những kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp và khả năng làm việc của cá nhân trên cơ sở áp dụng các kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm trong giải quyết công việc tương ứng với trình độ và ngành, nghề đào tạo.
18. Năng lực tự chủ và trách nhiệm là khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng đã được học trong việc tổ chức, thực hiện một công việc và trách nhiệm của cá nhân với nhóm và cộng đồng.
III. Nội dung của Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (sản phẩm sau khi xây dựng xong)
Nội dung của Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với từng ngành, nghề bao gồm các thành phần sau:
1. Tên ngành, nghề đào tạo
2. Trình độ đào tạo
3. Yêu cầu về kiến thức: kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật; kiến thức chuyên môn của ngành, nghề đào tạo
4. Yêu cầu về kỹ năng
- Kỹ năng cứng: Kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề;
- Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, làm việc độc lập, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học.
5. Yêu cầu về năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân;
- Trách nhiệm, đạo đức, tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ;
- Khả năng cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc.
6. Vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp
7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
8. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế đã tham khảo
IV. Quy trình xây dựng Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (dành cho Ban Chủ nhiệm)
Các Ban chủ nhiệm được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thành lập trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, các trường có trách nhiệm tổ chức xây Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo các bước sau:
1. Xây dựng kế hoạch thực hiện
Sau khi có quyết định thành lập, Ban Chủ nhiệm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện việc xây dựng Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Trong kế hoạch cần làm rõ nội dung từng hoạt động, thời gian thực hiện (thời gian bắt đầu, kết thúc); nguồn lực thực hiện, sản phẩm dự kiến cho từng hoạt động.
2. Nghiên cứu, điều tra khảo sát
Thực hiện điều tra, khảo sát về: tiêu chuẩn nghề nghiệp tại các doanh nghiệp; tiêu chuẩn bậc thợ, vị trí việc làm, chức danh trong doanh nghiệp; hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, tài liệu có liên quan.
Trong bước này cần lưu ý: Đối với ngành, nghề chưa có Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, chương trình khung trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng thì tiến hành phân tích nghề, phân tích công việc; đối với ngành, nghề đã có Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, chương trình khung thì rà soát, bổ sung hoàn thiện lại bảng phân tích nghề, phân tích công việc.
Việc phân tích nghề, phân tích công việc được thực hiện như sau:
- Phân tích nghề:
+ Thu thập tài liệu, tiêu chuẩn của nghề đang được sử dụng ở trong và ngoài nước;
+ Nghiên cứu, lựa chọn, khảo sát các doanh nghiệp có sử dụng lao động làm nghề đó theo quy mô lớn, nhỏ, trung bình và trình độ công nghệ đang được sử dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong quản lý ở các mức độ phổ biến, cũ, mới (nên có đại diện cho các vùng, miền trong cả nước);
+ Xây dựng các mẫu phiếu điều tra theo các đối tượng sau:
(1). Phiếu điều tra về tình hình sử dụng và phân công lao động đối với nghề khảo sát cho đối tượng khảo sát là doanh nghiệp.
(2) Phiếu điều tra về chức năng, vai trò, vị trí đang đảm nhận; các nhiệm vụ, công việc thường xuyên, không thường xuyên cần phải thực hiện và điều kiện, bối cảnh thực hiện từng công việc đó cho các đối tượng khảo sát trong doanh nghiệp là người quản lý hoặc phụ trách, người làm công tác chuyên môn kỹ thuật và người trực tiếp làm các công việc của nghề hoặc làm công việc có liên quan đến nghề khảo sát.
+ Tiến hành việc khảo sát tại các doanh nghiệp được lựa chọn theo các đối tượng đã xác định nhằm điều tra về các vị trí việc làm của nghề tại nơi làm việc và thu thập dữ liệu về các công việc cần phải thực hiện của từng vị trí việc làm.
+ Tổ chức việc phân tích dữ liệu thu thập được từ các phiếu điều tra và kết quả việc tiến hành khảo sát để xác định các vị trí việc làm phổ biến của nghề và các công việc cần phải thực hiện của từng vị trí việc làm đó; tổng hợp và lập thành bảng các vị trí việc làm phổ biến của nghề.
Việc phân tích nghề cũng có thể tiến hành theo phương pháp DACUM.
- Phân tích công việc
+ Phân tích kết quả điều tra đã thu thập theo từng công việc của từng vị trí việc làm đã được xác định trong bước phân tích nghề để lập các phiếu phân tích công việc theo Phụ lục 02 kèm theo;
+ Tham khảo các tiêu chuẩn, tài liệu thu thập được để điều chỉnh các nội dung trong các phiếu phân tích công việc (nếu cần);
+ Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nghề thông qua việc gửi xin ý kiến góp ý về các nội dung trong các phiếu phân tích công việc đã được lập hoặc điều chỉnh (nếu có); hoàn chỉnh các phiếu phân tích công việc sau khi nhận được các ý kiến góp ý.
3. Tổ chức biên soạn
Phân tích tính chất, mức độ của công việc phải thực hiện; phạm vi, tình huống thực hiện công việc cũng như mức độ linh hoạt và sáng tạo khi thực hiện công việc; sự phối hợp và trách nhiệm trong thực hiện công việc của từng vị trí việc. Đồng thời, căn cứ các phiếu phân tích công việc đã được lập và hoàn thiện, tiến hành xác định phạm vi, vị trí việc làm, xác định đầu ra kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm cho trình độ đào tạo, xác định các năng lực cần phải có để thực hiện công việc đó và lập danh mục các đơn vị năng lực theo quy định, cụ thể:
(1) Xác định phạm vi, vị trí việc làm trong nghề tương ứng với trình độ đào tạo
- Việc xác định phạm vi và vị trí việc làm trong nghề dựa trên chủ yếu là phân tích nghề, phân tích công việc, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã ban hành (nếu có), đặc biệt là nội dung mô tả nghề. Đồng thời, dựa trên mục tiêu chung của GDNN, mục tiêu cụ thể đối với trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng, kết hợp với mô tả nội dung bậc 4 và 5 của Khung trình độ quốc gia để định vị đầu ra phạm vi và vị trí việc làm trong nghề của mỗi trình độ
(Các chương trình đào tạo liên quan đã có cũng cần được tham khảo để tìm ra những điểm chung và khác biệt giữa trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, giữa cao đẳng và cao đẳng nghề (trước đây) với hai trình độ GDNN (trung cấp và cao đẳng) hiện hành).
- Các công việc cần phải thực hiện:
+ Thu thập các tài liệu liên quan (như trên);
+ Xác định phạm vi, vị trí việc làm trong nghề;
+ Xin ý kiến chuyên gia, chỉnh sửa, hoàn thiện.
(2) Xác định đầu ra kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm chung cho trình độ đào tạo
Các công việc thực hiện:
- Nghiên cứu bảng phân tích nghề, phân tích công việc; tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (nếu có);
- Nghiên cứu mô tả chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia;
- Nghiên cứu mục tiêu giáo dục nghề nghiệp theo trình độ đào tạo;
- Thực hiện phân tích theo các vị trí việc làm để xác định điểm đặc trưng, diện và chiều sâu của mỗi trình độ đào tạo về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm;
- Xin ý kiến chuyên gia về các nội dung xây dựng.
(3) Biên soạn quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (theo từng vị trí việc làm) theo mẫu định dạng
Việc biên soạn quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng dựa trên kết quả việc xác định đầu ra kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm chung cho trình độ đào tạo ở trên.
Các công việc cần thực hiện:
- Tổng hợp, rà soát lại kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm theo trình độ đào tạo, vị trí việc làm;
- Biên soạn quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo cấu trúc nội dung và mẫu định dạng (theo từng vị trí việc làm):
+ Mô tả vị trí việc làm: Được tổng hợp từ mô tả quá trình thực hiện công việc, điều kiện thực hiện công việc của các công việc trong vị trí việc làm;
+ Kiến thức của vị trí việc làm: Được tổng hợp từ kiến thức cần có để thực hiện từng công việc của vị trí việc làm;
+ Kỹ năng của vị trí việc làm: Được tổng hợp từ kỹ năng khi thực thực hiện từng công việc của vị trí việc làm;
+ Mức độ tự chủ và trách nhiệm:
+ Từ bảng phân tích nghề, phân tích công việc, xác định các năng lực/đơn vị năng lực cần có để thực hiện các công việc theo từng vị trí việc làm và chia ra theo nhóm (các năng lực cơ bản, năng lực chung và năng lực chuyên môn). Đồng thời căn cứ vào tính chất, mức độ của công việc phải thực hiện, phạm vi, tình huống, cách thức thực hiện công việc để xác định bậc cho từng năng lực/đơn vị năng lực trên cơ sở mô tả của 5 bậc trình độ của Khung trình độ quốc gia.
+ Trên cơ sở bảng danh mục các năng lực của vị trí việc làm, trình bày các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cho từng năng lực của từng vị trí việc làm.
- Xin ý kiến chuyên gia để chỉnh sửa, hoàn thiện.
4. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý
Tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, giáo viên, các nhà tuyển dụng lao động để hoàn thiện nội dung dự thảo.
5. Lấy ý kiến chuyên gia
Gửi bản dự thảo để lấy ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, các nhà quản lý chuyên môn và quản lý đào tạo. Lưu ý: cần phải lấy ý kiến của những chuyên gia có hiểu biết về lĩnh vực hoặc nghề đang xây dựng
6. Hoàn thiện Dự thảo
Sửa chữa, biên tập tổng thể nội dung Dự thảo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trên cơ sở thu thập và phân tích các ý kiến góp ý của các chuyên gia./.
Đỗ Văn Giang- Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp