Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 2/10/2008 11:11'(GMT+7)

Án nhẹ chưa đủ sức răn đe

Lâm tặc và côn đồ trước vành móng ngựa. Ảnh VOV

Lâm tặc và côn đồ trước vành móng ngựa. Ảnh VOV

Ngày 30/9, Toà án Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử 4 bị cáo liên quan đến vụ “lâm tặc hành hung nhà báo Nguyễn Hoàng Dưỡng, nguyên trưởng Đài truyền thanh- truyền hình huyện Buôn Đôn”. Khi vụ việc này xảy ra (7/3/2008), các cơ quan điều tra, tố tụng đã nhanh chóng vào cuộc, truy bắt đối tượng và  đưa những kẻ thủ ác ra xét xử. Tuy nhiên mức án toà tuyên đối với các bị cáo vẫn còn quá nhẹ so với hành vi mà chúng gây ra khiến dư luận đang bất bình. 

Theo cáo trạng, nhà báo Hoàng Dưỡng thường xuyên phối hợp, báo tin cho lực lượng kiểm lâm bắt giữ gỗ lậu và các phương tiện vận chuyển gỗ lậu, trong đó có 2 chiếc xe chở gỗ của đối tượng Võ Văn Huy.

Huy nuôi ý định trả thù anh Dưỡng và đã bàn với các đối tượng: Nguyễn Bửu Điện (SN 1962), Đoàn Văn Dương (Tùng Huế) và Văn Viết Tùng (SN 1976) đều trú tại thành phố Buôn Ma Thuột sẽ chặn đánh anh Dưỡng nếu gặp. Vào chiều tối ngày 7/3/2008, khi phát hiện anh Dưỡng tại thành phố Buôn Ma Thuột, Huy lập tức bám sau xe của anh Dưỡng và gọi điện báo cho đồng bọn. Khoảng 17 giờ, gặp anh Dưỡng trước số nhà 101, đường Điện Biên Phủ, 3 đối tượng là Điện, Tùng và Nguyễn Văn Tiến (SN1969, cùng trú tại thành phố Buôn Ma Thuột) đã cùng lao vào đánh anh Dưỡng tới tấp. Khi nạn nhân ngã xuống, một trong 3 đối tượng còn dùng gạch đập vào đầu nạn nhân. Vụ hành hung dã man đã làm cho anh Dưỡng bị đa chấn thương. Theo kết quả giám định, nạn nhân bị thương tích tổn hại sức khoẻ 12%.

Những người có mặt tại phiên toà chứng kiến một Võ Văn Huy, tức Hưu, người tổ chức nhóm côn đồ hành hung nhà báo Nguyễn Hoàng Dưỡng, chỉ trả lời lý nhí, loanh quanh trước các câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX). Trước lập luận của toà, cuối cùng Huy đã thú nhận việc cho người đánh anh Dưỡng là: “Tại anh Dưỡng báo kiểm lâm bắt gỗ của em họ”.

Trong suốt thời gian thẩm vấn và luận tội, tình tiết “đánh thuê” đã không được HĐXX nhắc đến. Đặc biệt, việc nhà báo Hoàng Dưỡng bị trả thù là do anh đã 2 lần cùng các đồng nghiệp ở Đài truyền thanh- truyền hình huyện Buôn Đôn phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của lâm tặc cũng đã không được HĐXX nhắc đến.

Các bị cáo: Nguyễn Bửu Điện, Nguyễn Văn Tiến, Văn Viết Tùng  mặc dù thừa nhận “không quen biết anh Dưỡng, việc đánh anh Dưỡng là do anh Huy nhờ” nhưng lại thiếu thành khẩn và đổ tội cho nhau về hành vi dùng viên gạch đánh vào đầu anh Dưỡng khi nạn nhân đã ngã xuống đường.

Tuy nhiên, trong bản án do thẩm phán Nguyễn Mạnh Trung thay mặt HĐXX tuyên, ở phần tình tiết giảm nhẹ, lại cho rằng “các bị cáo đã thành khẩn khai báo” (?!). Đây có lẽ cũng là một trong những tình tiết để toà chỉ dành cho 3 bị cáo: Điện, Tiến và Tùng mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù treo. Còn kẻ chủ mưu tổ chức hành hung Võ Văn Huy chỉ bị hình phạt 3 năm tù giam.

Nhiều nhà báo và người dân trực tiếp tham dự phiên toà này không đồng tình về việc HĐXX không làm rõ được nguyên nhân của vụ án là việc người bị hại đã bị trả thù do thi hành công vụ.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Dưỡng còn là thành viên đoàn công tác thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ (về phối hợp thực hiện công tác bảo vệ rừng) của huyện Buôn Đôn. Anh Nguyễn Văn Thiện, giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, huyện Cư M’gar, người theo dõi phiên toà bức xúc nói: “Là một người dân tham gia theo dõi phiên toà từ đầu đến cuối tôi thấy mức án mà toà dành cho các bị cáo là quá nhẹ, không đủ sức răn đe bọn lâm tặc vốn rất manh động, trong khi công tác giữ rừng của địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Còn nhà báo Hoàng Dưỡng, người rất tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm thuộc lĩnh vực bảo vệ rừng thì tỏ ra hụt hẫng. Theo anh Dưỡng, việc anh bị hành hung là do hành vi trả thù đê hèn của những kẻ liên tục vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đã từng bị anh và đồng nghiệp phát hiện và đấu tranh liên tục trong thời gian dài. Anh Dưỡng nói: “Mức tuyên án trong phiên toà không đề cập rõ việc chúng tôi tin báo cho tổ chức và cơ quan chức năng. Đó là công vụ của chúng tôi mà toà không đề cập, tức là không đề cập đến công vụ của người bị hại. Toà chỉ dừng lại ở chỗ là do hiềm khích cá nhân thì theo tôi là chưa thoả đáng”.

Việc nhà báo Hoàng Dưỡng bị hành hung lại chỉ được HĐXX coi là “do hiềm khích cá nhân” khiến nhiều nhà báo theo dõi vụ việc này cho rằng như vậy là không thoả đáng, thậm chí là sẽ bất lợi cho công tác bảo vệ rừng vốn gặp nhiều khó khăn do nạn phá rừng đang diễn ra phức tạp ở địa phương này.

Là phóng viên đã theo dõi vụ việc từ đầu, nhà báo Hoàng Thiên Nga, báo Tiền phong thường trú tại Tây Nguyên trăn trở: “Sau vụ việc này, nhà báo Hoàng Dưỡng có còn đủ dũng khí để chiến đấu với lâm tặc hay không? Và những người đã và đang tham gia phá rừng có thấy đây là một bài học  để chùn tay hay không? Hay họ vẫn cứ tiếp tục chống người thi hành công vụ bằng mọi cách  để rồi những cách rừng còn lại tiếp tục bị tàn phá”.

Phiên toà sơ thẩm kết thúc với còn nhiều vấn đề của vụ án cần phải được làm rõ. Bản án 126 tháng tù cho 4 bị cáo, trong đó có 90 tháng tù treo thực sự chưa thuyết phục dư luận, nhất là những người đang trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh căng thẳng và quyết liệt chống lại bọn lâm tặc và nạn tàn phá rừng, vốn diễn ra rất phức tạp ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nuyên nói chung./.

Thế Thắng_VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất