Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 19/9/2008 15:32'(GMT+7)

Báo cáo viên Cà Mau- lực lượng chủ yếu giữ vững trận địa công tác tư tưởng ở cơ sở

Trung tâm TP Cà Mau

Trung tâm TP Cà Mau

Ngày nay, thông tin bùng nổ đã làm cho việc truyền tin, báo tin nhanh, kịp thời đến với con người, giúp họ nắm bắt, xử lý thông tin và đề ra kế hoạch hành động thích hợp đem lại hiệu quả thiết thực. Đối với Cà Mau địa bàn rộng, sông ngòi chằn chịt, đường ô tô đến trung tâm xã gần 80%, nên thông tin đến với nhân dân không đầy đủ, thiếu tính hệ thống và thường xuyên, nhất là chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực tế khẳng định rằng, báo cáo viên chính trị và đội ngũ cán bộ Tuyên giáo ở tỉnh Cà Mau vẫn là lực lượng nồng cốt, chủ yếu của các cấp uỷ, thông qua hoạt động tuyên truyền miệng đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, công nhân lao động và các tầng lớp nhân dân.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của lực lượng báo cáo viên,  Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau tham mưu cấp uỷ thành lập lực lượng báo cáo viên và từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập, toàn tỉnh có 42 báo cáo viên. Hàng năm và nhiệm kỳ của các cấp uỷ, số lượng báo cáo viên và tuyên truyền viên các cấp đều được kiện toàn, bổ sung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có 897 báo cáo viên và hơn 300 tuyên truyền viên. Trong đó, báo cáo viên cấp tỉnh 101 đồng chí; cấp huyện, thành phố 210 đồng chí; cấp xã, phường, thị trấn 576 đồng chí và 50 báo cáo viên của đơn vị Công an, Quân sự, Biên phòng.

Cùng với việc tăng về số lượng, chất lượng báo cáo viên không ngừng nâng lên về trình độ lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn. Hiện nay, cấp uỷ tỉnh tham gia báo cáo viên cấp tỉnh 9 đồng chí tăng 4 đồng chí so với nhiệm kỳ trước; trình độ lý luận chính trị cao cấp 96,2%, tăng 10,5% so với nhiệm kỳ trước. Cấp uỷ huyện, thành uỷ tham gia báo cáo viên cấp huyện, thành phố 89%, tăng 11,4% so với nhiệm kỳ trước; trình độ chính trị cao cấp 90,8%, tăng 8,5% so với nhiệm kỳ trước.

Thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, tăng cường cho cơ sở. Bởi cơ sở là nơi tổ chức thực hiện các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, cơ sở rất cần một đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực để tuyên truyền phổ biến các Chủ trương, Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì vậy mà cùng với lực lượng báo cáo viên, năm 2004, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau xây dựng đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất thành lập Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Mỗi Ban Tuyên giáo có số lượng từ 5 đến 7 đồng chí. Đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo, 1 đồng chí cấp uỷ làm Phó ban chuyên trách. Các thành viên còn lại là trưởng hoặc phó các đoàn thể, mặt trận. Bộ máy Tuyên giáo xã, phường, thị trấn ở Cà Mau đi vào hoạt động ổn định từ cuối năm 2004 đến nay. Với 97 xã, phường, thị trấn có tổng số 513 cán bộ Tuyên giáo. Cán bộ Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn cũng là báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Lực lượng báo cáo viên và Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, chuyên đề mới, được cung cấp tài liệu, thông tin kịp thời.

Với hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ Tuyên giáo các cấp đã trực tiếp cung cấp thông tin có định hướng về những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, trực tiếp đưa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đảng viên và quần chúng, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, khơi dậy quyết tâm của mọi người đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo ra sự nhất trí về tư tưởng và hành động ngày càng cao trong Đảng và trong xã hội.

Vai trò của báo cáo viên, Tuyên giáo các cấp thể hiện rõ nét qua các đợt triển khai quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các đợt sinh hoạt chính trị lớn, học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cuộc học tập đều thực hiện đúng mục đích, yêu cầu về tư tưởng, nội dung và thời gian theo kế hoạch chỉ đạo của cấp uỷ. Nhiều năm qua, ở Cà Mau tỷ lệ các đối tượng tham gia học từng Chủ trương, Nghị quyết của Đảng bình quân trên 90%. Qua phiếu thu hoạch, góp ý của người học thì chất lượng truyền đạt nội dung của báo cáo viên, cán bộ Tuyên giáo ngày càng tốt hơn. Nhất là những năm gần đây, việc triển khai học tập nghị quyết, chủ trương của Đảng cho cơ sở chủ yếu do báo cáo viên, cán bộ Tuyên giáo cấp huyện, thành phố và cơ sở đảm trách, nên việc tổ chức học các Nghị quyết của Đảng vừa đạt yêu cầu về nội dung, tư tưởng, vừa đạt tiến độ của trên đề ra.

Hoạt động tuyên truyền miệng còn được phát huy ở mọi lúc, mọi nơi và đem lại kết quả to lớn hơn. Đặc biệt là vai trò của Ban Tuyên giáo, của báo cáo viên, của đảng viên, tuyên truyền viên, cán bộ, công chức tham gia công tác tuyên truyền miệng ở các cuộc sinh hoạt chi hội, tổ hội đoàn thể và sinh hoạt ở tổ tự quản nhân dân, đồng thời còn thường xuyên tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng cho người thân trong gia đình và nhân dân nơi cư trú qua các mối quan hệ, tiếp xúc, sinh hoạt hàng ngày đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế- xã hội, thời sự trong nước và quốc tế; giải quyết những bất đồng, tạo sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng và sự đồng thuận trong xã hội thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị địa phương biểu hiện qua các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xóa đói giàm nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đạt kết quả tích cực: toàn tỉnh đã có 84,05% gia đình, 74,94% ấp, khóm và 31,96% xã, phường đạt chuẩn văn hoá…

Từ đó, kết quả công tác tuyên truyền miệng của báo cáo viên, Tuyên giáo các cấp không chỉ là sự thống kê số cuộc, số người dự mà còn thể hiện ở sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều năm qua ở Cà Mau không xảy ra “điểm nóng” nghiêm trọng, tình hình khiếu kiện, tranh chấp trong nhân dân, kéo kiện đông người giảm rõ rệt, trong khi đó sự đồng thuận của xã hội đối với sự chuyển biến về nhận thức và hành động đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống ngày càng tăng.

Từ ngày thành lập đến nay, nhìn chung hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Tuyên giáo nói chung, ở cơ sở nói riêng khá tích cực và tương đối đồng đều đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt là các Nghị quyết, Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật đều đến được dân. Qua thực tiễn đã khẳng định: Báo cáo viên chính trị và cán bộ Tuyên giáo là lực lượng quyết định việc đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng đến cán bộ, đảng viên, công chức, công nhân lao động, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chủ trương đó đến nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức chính trị và củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, nâng cao tính tự giác trong hành động, trong rèn luyện, học tập, sống và làm việc theo pháp luật mà không phương tiện nào, kênh thông tin nào có thể thay thế được hoạt động tuyên truyền miệng của báo cáo viên, của Tuyên giáo các cấp.

Tuy nhiên do đặc điểm: Báo cáo viên và cán bộ Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn ở Cà Mau hầu hết là kiêm nhiệm và thường biến động nên việc cập nhật thông tin, tích luỹ tư liệu và kinh nghiệm còn hạn chế. Do vậy Ban Tuyên giáo cấp trên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, đầy đủ để báo cáo viên, cán bộ Tuyên giáo xã, phường, thị trấn không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động trước yêu cầu mới. Đồng thời quan tâm giải quyết chế độ chính sách thích hợp để động viên đội ngũ này yêu ngành, yêu nghề và không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Báo cáo viên, cán bộ Tuyên giáo các cấp tự hào là chiến sĩ trên mặt trận Tư tưởng - Văn hóa của Đảng, nên đã ý thức việc phải giữ vững tính đảng, tính lãnh đạo, tính chiến đấu và kỷ luật phát ngôn trong hoạt động tuyên truyền miệng của mình, đồng thời ra sức rèn luyện thêm kỹ năng nói và viết, đặc biệt là đối thoại với người nghe nhằm không ngừng giữ vững trận địa công tác tư tưởng ngay tại cơ sở góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội: Phấn đấu đưa Cà Mau sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, đạt mức bình quân chung của cả nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra./.

Nguyễn Hồng Vệ , Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng tỉnh Cà Mau


 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất