Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 25/9/2008 9:2'(GMT+7)

Trách nhiệm các nhà xuất bản

Sau 3 năm thực thi Luật Xuất bản, giao quyền chủ động cho các cơ sở và xã hội hóa xuất bản, in, theo tổng kết của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, hiện nay đã có đến 55 NXB, 1.200 cơ sở in, 129 công ty phát hành sách quốc doanh và 1.200 cửa hàng và nhà sách tư nhân; nhiều nhà sách đã liên doanh, liên kết với các NXB điển hình như các nhà sách Đông A, Nhã Nam, Trí Việt, Thời Đại…

Đó là điều đáng mừng lắm, bởi người ta cũng không quên có quyển sách làm rung động cả thế hệ trẻ hôm nay như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” chính là công đầu của Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam, “Bách khoa tri thức cho trẻ em” và “Bách khoa động vật cho trẻ em” từ sự chọn lọc của nhà sách Đông A, “Hạt giống tâm hồn” là sự đầu tư công sức của First News - Trí Việt…

Nhưng bên cạnh những nét phồn vinh ấy, rõ ràng mặt bằng xuất bản hiện còn quá nhiều bất cập. Vấn đề chính ở đây chính là quyền lợi và trách nhiệm của các NXB.

Theo thống kê của CXB, hiện số NXB có trên 90% sách tự làm là cực hiếm, mà hầu hết đều sống dựa vào sự liên kết với các nhà sách tư nhân. Họ sẽ lo thực hiện từ A-Z, tức là tìm nguồn, lo khâu biên tập, bỏ vốn phát hành và cuối cùng là chia lãi cho NXB.

Như vậy từ lâu, NXB chỉ là cái mũ để tư nhân làm xuất bản, quyền lợi thì rõ ràng, nhưng thực sự trách nhiệm ở đâu thì không ai thấy? Bởi LXB điều 30 quy định các xuất bản phẩm vi phạm sẽ bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy… Điều này rõ ràng chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến đơn vị liên kết, vì đó là nơi trực tiếp bỏ vốn làm sách, còn NXB thì đâu có thiệt hại gì?

Về trách nhiệm của NXB, điều 30 cũng quy định nếu vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…

Luật thì thế, nhưng trước nay, chưa từng thấy giám đốc NXB nào bị cách chức nói gì đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự… Chính Quốc hội đã nhìn thấy rất rõ điều này và cũng đã yêu cầu sửa đổi bổ sung LXB tập trung quy rõ trách nhiệm của Giám đốc NXB đối với nội dung ấn phẩm. Bởi chính Giám đốc và Tổng biên tập NXB mới hiểu rõ hơn ai hết về nội dung cuốn sách, sách in ra rồi, cơ quan chủ quản mới biết, còn CXB thì chỉ nắm bản đăng ký đề tài và chỉ quản lý đầu ra bằng kiểm tra lưu chiểu.

Nhưng theo ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng CXB thì đó là việc lực bất tòng tâm vì sách lưu chiểu đang quá tải trầm trọng. Tất cả đã quá rõ ràng cho một sự thật rằng, lâu nay hàng vạn các ấn phẩm ra đời mỗi năm của 55 NXB trên cả nước hoàn toàn không có khâu kiểm duyệt nào từ cấp trên, và khi cơ quan chủ quản, CXB đến UBND cấp tỉnh biết ra thì “mọi sự đã rồi”. Tất cả các cơ quan chức năng ấy đều không đọc, không kiểm duyệt được nội dung, vậy thì trách nhiệm duyệt nội dung một ấn phẩm sai phạm thuộc về ai? Chính là giám đốc NXB. Cả thị trường sách hoàn toàn bị thả nổi và chỉ biết dựa vào cái lương tâm của các ông giám đốc NXB. Thi thoảng báo chí phát hiện ra những sai phạm tày trời của một số ấn phẩm thì lúc ấy các cơ quan chức năng mới ra tay, nhưng hầu như chỉ xử phạt ở mức độ thu hồi, cấm lưu hành, còn người duyệt để cho ra những đầu sách độc hại ấy vẫn cứ tự tại ung dung để tiếp tục hưởng lợi từ các hợp đồng liên kết khác. Sách bị thu hồi thì tư nhân thiệt chứ NXB có mất đồng nào.

Quyển Danh nhân văn hóa trong đó có cả tên Ngô Đình Diệm vẫn ngang nhiên lưu hành rộng rãi, khi sách bị phát hiện và thu hồi, thì giám đốc NXB này có bị cách chức không? Ngay như mớ truyện tranh đồi trụy vừa được báo chí phát hiện thì ông giám đốc NXB VHTT liền quy trách nhiệm cho phía đối tác và bảo rằng không thể thu hồi sách được vì đã bán hết rồi (?!). Chuyện này xảy ra quá bình thường với giới làm sách.

Rồi mọi chuyện cũng sẽ trôi qua, vòng lẩn quẩn ấy sẽ cứ tiếp tục như cũ nếu như các cơ quan quản lý không có một chế tài thực nghiêm khắc với các giám đốc NXB sai phạm, vì đó chính là người đã duyệt và cho phát hành những ấn phẩm vi phạm trên thị trường. 

 (SGGP Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất