Thông tin tăng giá điện chính thức được công bố ngày 26/2, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các phương tiện thông tin đại chúng và người dân.
Để có cái nhìn khách quan, bao quát về sự kiện này từ nhiều phía: cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người tiêu dùng, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm ngày 1/3/2010 với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS.Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hiệp hội Thép Phạm Chí Cường và ông Vũ Xuân Ương, công chức về hưu (số 38, đường Bế Văn Đàn, Hà Đông, Hà Nội).
Chưa ngại lạm phát “trực tiếp”
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với việc tăng giá điện trung bình 6,8% từ ngày 1/3, ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng tối đa 0,16% do tác động trực tiếp của giá điện. Bộ Công Thương tính toán, với đời sống người dân, giá điện mới sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân khoảng 0,19 - 0,27%.
Tiền điện phải trả thêm tối đa của các hộ sử dụng điện ở mức đến 100 kWh/tháng (cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao) là khoảng 7.000 đồng/kWh mỗi tháng, bằng 0,33% thu nhập của một hộ dân có thu nhập dưới trung bình.
Như vậy, mức chi tiền điện tăng thêm hàng tháng của các hộ gia đình do điều chỉnh giá điện không lớn và ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống người dân không đáng kể.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào (trái) và Chủ tịch Hiệp hội Thép Phạm Chí Cường - Ảnh: Chinhphu.vn |
Còn với ngành sản xuất, tác động tăng giá điện chưa thể khiến cộng đồng doanh nghiệp quá “xúc động” như cách nói của TS Trần Đình Thiên. Bởi vì, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào lấy ví dụ, sắt, thép, xi măng chỉ tăng giá thành từ 0,2 - 0,69%. Các ngành thủy lợi, cung cấp nước, bơm thủy lợi tăng từ 2,83 – 3,5% giá thành. Toàn bộ ngành công nghiệp tính chung tăng không quá 1%.
Chủ tịch Hiệp hội Thép, ông Phạm Chí Cường tính toán: “Ngành thép chủ yếu sản xuất bằng điện, chiếm tỷ trọng khá cao trong sử dụng điện cả nước. Sản xuất 1 tấn phôi thép tiêu thụ từ 600 - 700 kwh, còn cán 1 tấn thép thì từ 100 - 125 kwh tùy mức độ công nghệ. Theo giá mới, mỗi tấn thép tăng thêm từ 50-60 ngàn đồng/tấn, trong khi giá bán hiện nay là 12 triệu đồng, tức là chỉ tăng thêm 0,5%”.
Đó chỉ là phép tính lý thuyết. “Ngành thép không tăng giá một cách trực tiếp như vậy, không tăng giá kiểu giá đầu vào tăng bao nhiêu thì tăng bấy nhiêu”, ông Cường nói.
Bởi cái dây cương kìm hãm tốc độ tăng giá của ngành thép chính là cạnh tranh. “Việc tăng giá bán là rất khó, không thể hơn 200.000 đồng/tấn mỗi lần, còn phải tính đến việc xã hội có chấp nhận hay không và còn phải để mắt đến thép nhập khẩu”, ông Cường bày tỏ.
“Trước Tết, có những doanh nghiệp đã tính đến chuyện tăng giá, nhưng rồi phải rút lại, vì đơn giá đưa ra không được người tiêu dùng chấp nhận”.
Ông Cường cho hay, ngành Thép từ lâu đã xác định là không sớm thì muộn giá điện sẽ phải theo giá thị trường, nên các dự án đầu tư mới đây đều áp dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả điện năng. Chẳng hạn, ở các dự án đầu tư sau năm 2005, chỉ mất 400 kWh điện để sản xuất một tấn phôi, trong khi công nghệ cũ tiêu tốn tới 700 kWh. Tương tự, công nghệ mới cán thép cũng tận dụng nhiệt rất tốt so với trước, được tiến hành ngay khi phôi thép vừa ra khỏi lò, chỉ cần gia thêm nhiệt, giảm tiêu hao năng lượng rất nhiều.
Lo nhất lạm phát “tâm lý”
Công thức tăng giá điện trực tiếp dẫn tới tăng CPI như cách tính của Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính chưa phải đúng trong mọi trường hợp.
|
Ông Vũ Xuân Ương và ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông Vũ Xuân Ương, một công chức về hưu, bày tỏ: “Sáng nay bà xã nhà tôi đi chợ về kêu cái gì cũng tăng giá. Giá gạo tăng, rau muống tăng, giá sữa cho cháu cũng tăng. Rau muống tăng thì vô lý quá, vì rau muống đâu có liên quan nhiều đến điện. Theo tôi, sự tăng giá giữa điện và các mặt hàng thì có, nhưng còn tùy mặt hàng. Nhưng những mặt hàng không sử dụng điện mà cũng tăng thì khó chấp nhận”.
Trên góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào thừa nhận, trên thực tế, có sự tăng giá theo tâm lý, một yếu tố rất khó dự đoán và tính toán, không như kiểu thẳng tuột giá điện tăng trung bình 6,8% thì giá các mặt hàng công nghiệp tăng trung bình không quá 1%.
“Ví dụ, một bát phở trước đây giá 15.000 đồng, giờ lên 20-25.000 đồng trong khi tỷ trọng điện trong chi phí để làm ra bát phở rất nhỏ”, ông Đỗ Hữu Hào bày tỏ.
Không chỉ người sản xuất, ngay cả người tiêu dùng cũng gặp tâm lý như vậy. “Nhiều người tiêu dùng xách giỏ đi chợ cũng đã đựng sẵn tâm lý tăng giá, cứ nghĩ mặt hàng nào cũng tăng giá nên nhiều khi không mặc cả nữa. Điều đó phần nào làm lợi cho người kinh doanh”, ông Hào cho biết.
TS.Trần Đình Thiên khẳng định, lạm phát cũng là một hiện tượng tâm lý. Giá cả là yếu tố khá nhạy cảm, dễ gây “xúc động”. “Điện và xăng tăng giá cũng gây xúc động lớn trong xã hội, thậm chí lo lắng, trong khi tăng trưởng kinh tế thêm 1 - 2% chưa chắc gây xúc động lớn đến thế”. Vấn đề nằm ở niềm tin của người dân, người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô mà lạm phát là một yếu tố quan trọng.
Do đó, đại diện cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, phía doanh nghiệp và người tiêu dùng tại buổi tọa đàm đều khẳng định, vai trò của cơ quan quản lý và nhất là cơ quan tuyên truyền rất quan trọng, phải tạo tâm lý tin tưởng vào sự điều hành của nhà nước, phải triển khai các biện pháp quyết liệt để đảm bảo không tăng giá tùy tiện, gây lạm phát ảo, lạm phát tâm lý./.
(Theo Chinhphu.vn)