Theo thông tư quy định giá điện mới vừa được Bộ Công Thương ban hành và có hiệu lực từ 1/3/2010, giá điện bình quân năm 2010 sẽ là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện 2009. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương điều này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt…của doanh nghiệp và nhân dân.
Tăng giá điện là bất khả kháng
Tại buổi họp báo về việc điều chỉnh giá điện năm 2010 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/2, Ông Hào cho hay, việc tăng giá bán điện là bất khả kháng bởi các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện như than, khí, dầu, giá nhân công... đều tăng; thủy điện giá rẻ đã khai thác gần như hết tiềm năng, nếu không tăng giá điện sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư, gây nguy hiểm về an ninh năng lượng trong tương lai.
Có cùng quan điểm trên ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói: “Giá điện của Việt Nam hiện ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (Ví dụ: Campuchia là 17,68 cent/kWh, Mianma với 6,52 cent/kWh, Thái Lan là 8,5 cent/kWh, Singapore với 13,07 cent/kWh…trong khi Việt Nam mới chỉ ở mức 5,54 cent/kWh, sau lần điều chỉnh này). Do đó, nếu không tăng giá điện sẽ không thu hút được đầu tư, ngân hàng sẽ không cho nhà đầu tư vay vốn thực hiện dự án điện, điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế trong tương lai”.
Trong năm 2010 dự tính tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện sẽ tăng cao nên theo Bộ Công Thương nếu không điều chỉnh tăng giá điện tình hình tài chính của ngành điện sẽ không đảm bảo huy động vốn cho đầu tư để đảm bảo ổn định cung cấp điện lâu dài. Vì thế, việc điều chỉnh giá điện năm nay là một bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hoá giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu cho thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn dự phòng hợp lý, hệ thống truyền tải và phân phối điện có đủ năng lực truyền tải, góp phần cung cấp điện ổn định và lâu dài.
Bộ Công Thương cũng cho rằng không chỉ đảm bảo cho nhà sản xuất và kinh doanh điện phát triển ổn định, việc điều chỉnh giá điện còn góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho xã hội và người tiêu dùng. Đồng thời việc tăng giá điện cũng nhằm khuyến khích nhân dân sử dụng điện tiết kiệm và hạn chế thiếu điện vào các giờ cao điểm.
Nhưng không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt ?
“Giá điện cho sản xuất chỉ tăng 6,3% (thấp hơn mức tăng bình quân), các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỉ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất ba ca chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,81-3,15%; các ngành cán thép, xi măng, giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,2-0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. Như vậy, mức ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn.”, ông Hào cho biết.
Cũng theo nhận định của ông Hào, mức chi tiền điện tăng thêm hàng tháng của các hộ gia đình do điều chỉnh giá điện là không lớn và ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như đời sống người dân là không đáng kể. Bởi theo thông tư mới, đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, nếu hộ nào sử dụng dưới 50 kWh thì chi phí không đổi so với năm 2009, gia đình nào sử dụng từ 51-100 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 7.000 đồng/tháng/hộ; các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng 300 kWh/tháng, số tiền phải trả thêm sẽ là 26.000 đồng/tháng và trên 400 kWh/tháng, trả thêm 36.500 đồng/tháng.
Đối với người phải thuê trọ cũng được tính tiền điện như chủ nhà. Nếu chủ nhà cố tình lấy tiền điện của người thuê trọ gấp 3-4 lần giá điện của Nhà nước sẽ bị phạt, thậm chí cắt điện (khi người thuê trọ làm đơn trình báo, cung cấp chứng từ cho cơ quan điện lực và chính quyền địa phương). Đó là khẳng định của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Sẽ xử lý nghiêm trường hợp “té nước” theo giá điện
Nhằm góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hoá và dịch vụ một cách bất hợp lý làm ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế đất nước, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát giá cả của các ngành, hàng, nhất là những ngành mang tính độc quyền hoặc các doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối như: xăng dầu, than, phân bón…
Do đó, “Giá cả sẽ tăng nhưng mức tăng chúng tôi sẽ kiểm soát giá cả tăng hợp lý chứ không phải doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu cũng được. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cố tình “té nước theo mưa”, tăng giá quá mức sẽ bị xử lý nghiêm. Theo tôi, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở dưới 7% vẫn thực hiện được, dù rất khó khăn”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định.
Bích Huệ - VnMedia