Nguy cơ tái lạm phát cao trong năm 2010 đã được đề cập và dự báo từ cuối năm 2009, ngay khi Quốc hội thảo luận về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010 và trong Thông điệp đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến nguy cơ này, nên chúng ta đã đặt mục tiêu kinh tế năm 2010 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung các giải pháp để không xảy ra tái lạm phát cao, đó là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường cho nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau hai năm "sóng gió" do tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Có ý kiến cho rằng, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng kinh tế hơn 6,5% dường như đang là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau, liệu phải hy sinh mục tiêu nào? Trong bối cảnh kinh tế nước ta năm 2010, tôi nghĩ rằng, chúng ta không phải hy sinh mục tiêu nào cả, mà có thể giải quyết bằng việc thực thi đồng bộ các công cụ điều tiết vĩ mô một cách hiệu quả nhất.
Bước vào năm 2010, nền kinh tế nước ta đã đạt thành tích nổi bật trong việc ngăn chặn suy giảm, kiểm soát lạm phát và trên thực tế nền kinh tế đang hồi phục. Quý IV-2009, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tương đương năm 2008, tức là trước khi có tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn ngắn hạn đặt ra khá lớn. Ðiểm khác biệt căn bản giữa nền kinh tế nước ta với các nền kinh tế khác trên thế giới là nền kinh tế nước ta bước vào giai đoạn hồi phục cũng là lúc phải chống lạm phát, mà các chính sách công cụ để thúc đẩy tăng trưởng và chống lạm phát thường có nội dung khác nhau. Cụ thể là, các yếu tố gây lạm phát đã chứa đựng trong cơ cấu kinh tế nước ta ngay trong giai đoạn hồi phục nên nếu sử dụng các công cụ để kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, ảnh hưởng đến sức mua và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Còn nếu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thông qua việc kích thích tổng cầu thì nguy cơ sẽ dẫn đến lạm phát. Ðây là bài toán khó đặt ra từ cuối năm 2009, mà lời giải là sự thực hiện đồng bộ các công cụ điều tiết vĩ mô để xử lý hài hòa hai mục tiêu mâu thuẫn. Trong bối cảnh như vậy, nếu chúng ta có những biện pháp tăng chi phí, thí dụ như điều chỉnh thái quá giá xăng dầu, giá vận tải, giá điện... thì có thể làm tăng lạm phát do chi phí đẩy. Khi đó, lạm phát sẽ tích hợp từ hai phía: do cầu kéo và chi phí đẩy. Do đó, tôi nghĩ rằng, để ổn định vĩ mô, chúng ta cần rất cẩn trọng trong việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ công, ít nhất là trong những tháng đầu năm 2010. Nếu như thách thức ngắn hạn này chúng ta vượt qua được, thì có thể giữ ổn định trong năm 2010 và nền kinh tế sẽ phát triển tốt trong sáu tháng cuối năm 2010. Tôi cho là giai đoạn từ nay đến khoảng tháng 4, tháng 5, là giai đoạn rất nhạy cảm về CPI. Do đó, những chính sách, những biện pháp được ban hành cần cẩn trọng để tránh việc tạo ra vòng xoáy mới về giá. Sử dụng mô hình toán để xem xét mối quan hệ giữa tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ công cộng với chỉ số giá cả là cần thiết, nhưng chưa đủ, vì giá cả còn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, nên trong kinh tế học còn có khái niệm "lạm phát ỳ". Ðây là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Ðể bảo đảm sự hài hòa giữa phục hồi tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, trong năm 2010, nếu CPI tăng dưới 10%, tức là một con số, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nó như là "dầu bôi trơn cho cỗ máy kinh tế" để phục hồi, nên không đáng lo ngại và trong điều kiện đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% không có gì khó khăn. Nếu chính sách của Chính phủ tập trung ổn định vĩ mô thành công, thì các doanh nghiệp, thị trường sẽ có mức tăng trưởng tốt. Theo tôi, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vẫn là dưới tiềm năng, nếu xét trên các yếu tố sản xuất đang sử dụng hiện nay của Việt Nam.
Căn cứ vào Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, tôi cho rằng, năm 2010, Chính phủ sẽ cố gắng ổn định, không tạo ra biến động lớn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thí dụ, liên quan đến chính sách tài khóa về ổn định thuế và đầu tư công, mức bội chi ngân sách mà Quốc hội đã thông qua... Còn về chính sách tiền tệ, việc cố gắng giữ ổn định giá trị đồng tiền bằng các biện pháp điều chỉnh lãi suất linh hoạt và ổn định tỷ giá ở mức độ không biến động mạnh. Ðó là những điều kiện cần thiết để tạo ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta hiện nay cũng cần phải đặt trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Sẽ có những yếu tố bên ngoài tác động sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, và hệ quả của nó bao gồm sự phục hồi của các thị trường có liên quan đến nước ta. Tuy nhiên, yếu tố bên ngoài sẽ không tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trong năm 2010, mà chủ yếu là chúng ta cần tập trung vào vấn đề ổn định vĩ mô thông qua các chính sách đối nội để doanh nghiệp có thể tính toán được mọi nhân tố để phát triển. Với tinh thần như vậy, tôi nghĩ rằng, thị trường tài chính Việt Nam năm 2010 sẽ không có biến động lớn và có thể ổn định, tăng trưởng tốt hơn năm 2009.
Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế đang gặp khó khăn về vốn trung - dài hạn. Hệ thống ngân hàng thương mại đang khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trung hạn. Tâm lý lo lắng lạm phát của người gửi tiền và nhu cầu thanh khoản của một số ngân hàng thương mại, nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn. Do đó, không nên chờ đợi quá nhiều vào ngân hàng thương mại, mà cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và tăng vốn qua thị trường chứng khoán. Nếu trong hai năm vừa qua, thị trường chứng khoán chủ yếu hoạt động trên thị trường thứ cấp, thì từ năm 2010, cần thúc đẩy thị trường sơ cấp phát triển mạnh hơn và chính điều đó sẽ khẳng định vai trò của thị trường chứng khoán trong việc huy động vốn cho nền kinh tế. Cơ hội trong năm 2010 để phát triển thị trường sơ cấp là rất lớn, bởi kinh tế thế giới cũng như trong nước đã ổn định hơn và niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố. Những lo âu sợ hãi do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không còn nữa. Ðây chính là nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Nguy cơ tái lạm phát cao vẫn đang là thách thức, nhưng không phải là "con ngựa bất kham", nếu chúng ta sử dụng đồng bộ các công cụ điều tiết thị trường, tránh các biện pháp gây ra hiệu ứng "domino", giải tỏa được yếu tố tâm lý. Với kinh nghiệm sử dụng các chính sách tài chính - tiền tệ - ngoại thương được rút ra trong hai năm 2008-2009, tôi tin rằng, nền kinh tế nước ta không thể xảy ra tình trạng phải áp dụng liệu pháp "sốc" như năm 2008./.
TS TRẦN DU LỊCH
(Theo Nhân Dân)