Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Ba, 5/7/2016 11:0'(GMT+7)

An toàn mùa mưa lũ - đừng để "nước đến chân mới nhảy"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việc 3 sinh viên Trường Đại học Ngoại thương tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bị lũ cuốn trôi và tử vong chiều 2-7 vừa qua đã để lại nỗi đau xót, bàng hoàng không chỉ với người thân, gia đình các em! Ngay sau sự cố trên, nhà trường cho dừng hoạt động của gần 20 đội sinh viên tình nguyện ở địa bàn các tỉnh phía Bắc. Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hà Nội cũng yêu cầu các Đoàn trường, các Đoàn cơ sở phải đặt việc bảo đảm an toàn cho tình nguyện viên, sinh viên lên hàng đầu; coi trọng tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho các em; khảo sát, tiền trạm kỹ và phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, chính quyền địa phương trong tổ chức các hoạt động tình nguyện…

Sự việc và hậu quả đau lòng đã xảy ra, nhưng việc cảnh báo, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động; đề cao cảnh giác, chủ động phòng tránh hiểm họa thiên tai nói chung, lũ quét, sạt lở đất nói riêng đối với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và người dân... thì không bao giờ là muộn; càng không thể xem nhẹ, chủ quan, lơ là…

Khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan cùng với những tác động, ảnh hưởng xấu do con người gây ra đối với thiên nhiên, môi trường nên lũ quét, sạt lở đất ở nước ta có xu hướng gia tăng, khó dự báo, sức tàn phá lớn, gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Để bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là chủ động phòng ngừa, lấy phòng là chính, không để “nước đến chân mới nhảy”.

Những năm qua, tại không ít địa phương, thiệt hại do bão không nhiều, nhưng lại gánh chịu hậu quả nặng nề về người và tài sản do hoàn lưu bão gây mưa lũ, sạt lở đất, mà một trong những nguyên nhân là người dân chủ quan, bất cẩn, kiến thức và ý thức phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai còn hạn chế. Cùng với đó, công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở chưa quyết liệt, thậm chí còn đơn giản, thụ động, đến khi hậu quả xảy ra mới chạy theo để khắc phục, kiểm điểm, rút kinh nghiệm...

Để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với lũ quét, sạt lở đất, theo các chuyên gia, giải pháp căn bản, lâu dài là phải kết hợp hài hòa các biện pháp công trình (trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét; khai thông các đường thoát lũ…) và các biện pháp phi công trình (điều tra, lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ cao; tái định cư, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao…). Song, quan trọng nhất là phải tạo được ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống thiên tai của mọi người, nhất là nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Để không bị động, bất ngờ trong mùa mưa lũ này, việc cần làm ngay là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cùng với rà soát các vị trí có nguy cơ cao và tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng, luyện tập các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí lại dân cư, sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, làm cơ sở xây dựng chương trình tổng thể phòng tránh lũ quét, sạt lở đất một cách đồng bộ, khả thi và hiệu quả./.

Anh Quân (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất