(TG) - Hút thuốc thụ động là thuật ngữ để chỉ những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ người hút thuốc, đôi khi được hiểu là " môi trường có khói thuốc lá ". Hút thuốc thụ động từ những người hút thuốc trong nhà có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho trẻ em. Những vấn đề này sẽ tồi tệ hơn nếu cả hai cha mẹ của trẻ đều hút thuốc.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe răng miệng của bản thân người hút thuốc. Tuy nhiên, khói thuốc thụ động cũng có thể gây ra các vấn đề về răng miệng cho người khác khi hít phải, điển hình là tình trạng sâu răng ở trẻ em.
1. Hút thuốc lá thụ động gây sâu răng ở trẻ em như thế nào?
Ở mọi trẻ em, tình trạng sâu răng sữa là vô cùng phổ biến. Thông thường, các bậc cha mẹ tập trung vào việc hạn chế ăn đường, tập thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách cho trẻ như một phương pháp chủ lực để ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng khói thuốc thụ động cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển sâu răng ở trẻ em, thậm chí rất lâu sau khi tiếp xúc với khói thuốc.
Vậy khói thuốc thụ động góp phần vào việc trẻ bị sâu răng như thế nào? Theo các phân tích, khói thuốc có thể gây viêm màng miệng, tổn thương chức năng tuyến nước bọt và giảm nồng độ vitamin C trong huyết thanh cũng như rối loạn chức năng miễn dịch. Tất cả những điều này đều góp phần vào sự phát triển của sâu răng ở trẻ em.
Tác hại hút thuốc lá thụ động ở trẻ em cũng được quan sát thấy nồng độ IgA trong nước bọt thấp, nồng độ axit sialic và hoạt tính cao hơn. Axit sialic là một trong các yếu tố thúc đẩy sự hình thành mảng bám răng và cuối cùng là gây sâu răng. Hơn nữa, răng của trẻ tiếp xúc với hút thuốc thụ động cho thấy chức năng hình thái và sự khoáng hóa mô cứng răng cũng bị ức chế. Như vậy, điều này cho thấy rằng việc giảm thiểu khói thuốc thụ động có thể giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em.
Thậm chí, với các nghiên cứu khác, mục đích là xem xét tác động của khói thuốc thụ động trong thời gian mang thai đối với răng của trẻ sau khi chào đời. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ em sinh ra từ mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai cũng như nhóm trẻ có phơi nhiễm với khói thuốc thụ động từ lúc sinh ra cho đến khi 4 tháng tuổi có nguy cơ bị sâu răng cao hơn nhiều lần. Điều này được giải thích là do các chất hóa học trong khói thuốc lá gây tác động xấu đến mầm răng sữa của trẻ từ khi là bào thai.
2. Những yếu tố khác có thể gây sâu răng ở trẻ em
Giúp trẻ có một hàm răng sữa chắc khỏe và bóng đẹp ngay từ đầu sẽ góp phần rất lớn đến sức khỏe răng miệng khi trưởng thành. Ngoài yếu tố khói thuốc thụ động, biết được những nguyên nhân khác góp phần làm hỏng răng ở trẻ sẽ giảm chi phí chăm sóc răng miệng và giúp trẻ có được nụ cười xinh đẹp suốt đời.
Dưới đây là những yếu tố có thể gây sâu răng ở trẻ em:
Thực phẩm trẻ tiêu thụ: Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng kẹo ngậm là thủ phạm khiến trẻ bị sâu răng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Hãy chú ý đến những gì trẻ ăn và uống một cách thường xuyên, cũng như tần suất trẻ ăn vặt.
Thói quen ăn hoặc uống thường xuyên trong ngày sẽ làm tăng thời gian tiếp xúc với các mảng bám có tính axit trên răng, khiến trẻ dễ bị sâu răng nhiều hơn so với những trẻ chỉ ăn bữa chính vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Bên cạnh đó, chất lỏng cũng đặc biệt có hại cho răng vì chúng bao phủ toàn bộ răng và làm lắng đọng vi khuẩn có tính axit trong các hố sâu hoặc rãnh của răng. Như vậy, khi trẻ thường xuyên tiêu thụ đồ uống thể thao, nước trái cây, sữa hoặc nước ngọt trong ngày có thể làm tăng đáng kể nguy cơ sâu răng phát triển theo thời gian.
Ngoài ra, cha mẹ cần khuyến khích trẻ uống nước có chất fluoride giữa các bữa ăn. Nước không chỉ làm sạch răng một cách tự nhiên mà còn làm giảm nồng độ axit và khuyến khích sự phát triển của răng thích hợp.
Các bệnh lý có thể gây sâu răng: Một số bệnh lý hay việc sử dụng thuốc cũng có thể làm tăng khả năng bị sâu răng ở trẻ.
Ví dụ, khi trẻ bị dị ứng mãn tính, tắc nghẽn mũi họng và trẻ cần phải thở bằng miệng thường xuyên, hành vi này sẽ gây ra giảm lưu lượng nước bọt, có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng sâu răng ở trẻ em. Đồng thời, các thuốc chống dị ứng, kháng histamin cũng có cơ chế gây khô miệng, giảm tiết nước bọt và làm tăng nguy cơ sâu răng.
Mặt khác, khi trẻ em dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như ống hít dùng cho bệnh hen suyễn cũng có thể bị sâu răng do tiếp xúc với thuốc.
3. Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em
Để phòng ngừa sâu răng ở trẻ em, phụ huynh cần thực hiện các phương pháp sau đây:
Không để trẻ tiếp xúc với thuốc lá thụ động: Chính vì hút thuốc xung quanh trẻ nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ phát triển sâu răng, chương trình cai thuốc lá là cách tốt nhất để cả gia đình có được sức khỏe tổng thể. Đây có thể là một động lực giúp cha mẹ từ bỏ thuốc lá thành công hơn. Bên cạnh đó, ngoài việc giảm thiểu tiếp xúc với khói thuốc, điều quan trọng là cha mẹ phải tập cho trẻ các thói quen chăm sóc răng miệng tốt trong thời kỳ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
Hỗ trợ thực hành thói quen chăm sóc răng miệng cho trẻ: Cho đến khi trẻ có thể tự buộc dây giày của mình, trẻ đã có đủ mức độ khéo léo cần thiết để đánh răng đúng cách nhằm loại bỏ hoàn toàn các mảng bám trên răng một cách hiệu quả.
Như vậy, cha mẹ vừa làm tấm gương, vừa khuyến khích, hỗ trợ trẻ trong khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa 2 lần mỗi ngày. Từ từ, trẻ sẽ thao tác tốt hơn trong việc tự vệ sinh răng miệng cho chính mình và cha mẹ sẽ có thể giảm mức độ can thiệp.
|
Súc miệng với nước florua: Ngay cả khi trẻ đã được vệ sinh răng miệng tốt, men răng sữa vốn dĩ là yếu hơn so với răng vĩnh viễn nên cũng chưa loại trừ hoàn toàn khả năng sâu răng ở trẻ em. Chính vì vậy, việc thêm nước súc miệng có chứa florua vào thói quen vệ sinh răng miệng hằng ngày có thể giúp tăng cường men răng, tăng khả năng chống đỡ với chứng sâu răng tốt hơn.
Ở dạng lỏng, nước florua có thể nhắm vào những vùng không dễ tiếp cận bằng cách chải răng. Trên thực tế, thành phần hóa học này còn thậm chí có thể giúp tái khoáng hóa những khu vực đang bắt đầu hình thành giai đoạn đầu của sâu răng. Tuy nhiên, nước florua chỉ nên được sử dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Thăm khám nha sĩ thường xuyên: Tập cho trẻ thăm khám nha sĩ định kỳ từ khi còn rất nhỏ để trẻ hợp tác hơn trong những lần sau khi lớn lên, giảm bớt tâm lý sợ hãi, quấy khóc.
Các bác sĩ nhi khoa và nha khoa khuyên rằng mọi trẻ em nên được đưa đi khám răng lần đầu khi trẻ tròn 1 tuổi và sau đó 6 tháng một lần. Việc chăm sóc và phòng ngừa sớm có thể xác định các vấn đề như sâu răng ở trẻ em trong giai đoạn sớm nhất, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Tóm lại, mối liên hệ giữa việc hút thuốc lá thụ động và tình trạng sâu răng ở trẻ em đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu. Kết quả này sẽ vừa là động lực để cha mẹ bỏ thuốc lá, vừa tăng sự hiểu biết trong việc tạo môi trường trong lành cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ những thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách từ sớm để trẻ có một hàm răng sữa mạnh khỏe, tạo nền tảng vững chắc và vẻ đẹp cho hàm răng vĩnh viễn trong tương lai./.
Biện pháp phòng ngừa hút thuốc lá thụ động ở trẻ em
Nếu muốn bỏ hút thuốc, hãy ghi nhớ và đặt ra các mốc thời gian cần thực hiện: lên lịch ngày bắt đầu bỏ thuốc, ngày nói với gia đình, bạn bè và những người xung quanh rằng bản thân dự định sẽ bỏ thuốc, dự đoán hoặc lên kế hoạch trước cho những thời điểm khó khăn mà sẽ phải đối mặt trong khi bỏ thuốc lá. Loại bỏ thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác khỏi nhà, xe hơi và nơi làm việc. Tạm thời tránh xa những người hút thuốc lá, những khu vực có người hút thuốc. Nhờ bác sĩ kê toa thuốc giúp bạn bỏ thuốc lá, một số loại thuốc, kẹo , ô mai, thảo dược... giúp làm giảm cảm giác thèm thuốc lá.
Bỏ hút thuốc cách phòng tránh nguy cơ các bệnh về đường hô hấp cho chính bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cho chính con của mình. Để kiểm tra xem trẻ có đang bị mắc các bệnh về đường hô hấp mà nguyên nhân là do hút thuốc lá thụ động gây nên, cha mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sức khỏe và có những phương pháp giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn cung cấp các gói khám sức khỏe tổng quát trẻ em để hỗ trợ cha mẹ theo dõi thể lực và phát hiện chẩn đoán các bệnh hay gặp ở trẻ.
Nguy cơ khi hút thuốc là thụ động ở trẻ em
Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ trẻ em gặp các vấn đề sức khỏe sau đây:
Các triệu chứng về thở, như ho, ho ra chất nhầy hoặc thở khò khè
Nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi - Những bệnh nhiễm trùng này có thể đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hen suyễn – có thể không gây ra triệu chứng thường xuyên. Nhưng khi các triệu chứng bùng phát, trẻ thở khò khè, ho hoặc có cảm giác căng tức ở ngực.
·Phổi không phát triển bình thường trong thời thơ ấu
Nhiễm trùng tai
Mất thính giác (khi trưởng thành)
Sau này khi trưởng thành, những đứa trẻ lớn lên với khói thuốc lá có nhiều khả năng mắc phải:
Hen suyễn
Ung thư phổi
Các loại ung thư khác
Bệnh tim
Ngoài ra, những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ hút thuốc có nhiều khả năng chúng cũng sẽ hút thuốc
Nếu con đã bị hen suyễn, hút thuốc thụ động có thể làm cho các triệu chứng của trẻ trở nên tồi tệ hoặc nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hút thuốc thụ động khiến trẻ bị hen suyễn đến mức cần dùng thuốc điều trị hen hoặc phải đến bệnh viện thường xuyên hơn.
Khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu một người phụ nữ (không hút thuốc) sống trong nhà có khói thuốc lá, trẻ được sinh ra có nguy cơ bị nhẹ cân hơn trẻ bình thường khác.
|
Quang Lộc