Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 3/6/2013 13:53'(GMT+7)

“Áp đảo” trong tiêu thụ sản phẩm đồ uống có cồn

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Một khảo sát của Euromonitor International cho thấy, chi tiêu của người Việt Nam cho nhu cầu tiêu dùng đồ uống có cồn thông qua hệ thống bán lẻ các sản phẩm trong ngành đồ uống gia tăng khá mạnh trong một thập kỷ vừa qua. Nếu như năm 2005 người tiêu dùng Việt Nam mới chi cho nhu cầu tiêu dùng đồ uống có cồn khoảng 8.840 tỷ đồng, thì đến năm 2010 con số tương tự đã tăng lên gấp hơn 2 lần, với tổng giá trị khoảng 19.500 tỷ đồng.

Tổ chức Giám sát doanh nghiệp quốc tế (BMI) cũng đánh giá, năm 2012 doanh số bán hàng đồ uống có cồn ở Việt Nam tăng trưởng khoảng 16,2%, dự kiến vào năm 2016 vẫn tăng khoảng 10,5%.

Có thể khẳng định, với đại đa số người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay, nếu có nhu cầu về đồ uống có cồn, thì hệ thống phân phối sản phẩm trong lĩnh vực này phân bổ rộng khắp các đô thị cũng như ở các vùng nông thôn sẽ dễ dàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ. Các sản phẩm đồ uống có cồn được tiêu thụ ở Việt Nam thông qua tất cả các mô hình phân phối, bán lẻ truyền thống và hiện đại với các đại lý, các nhà phân phối chính, các nhà bán sỉ, các siêu thị/đại siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng ăn uống, khách sạn, quán bar và bán hàng thông qua qua mạng internet.

Đồ uống có cồn được phân phối thông qua tất cả các mô hình bán lẻ tại Việt Nam, song theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì hình thức bán lẻ cho tiêu dùng tại chỗ luôn giữ vị trí “áp đảo”, chiếm từ 70% - 73% về số lượng và 82% - 86,5% về trị giá. Bán lẻ cho tiêu dùng tại chỗ rất đa dạng về hình thức từ quán bar, nhà hàng sang trọng cho đến vô vàn các quán bia, quán nhậu bình dân, quán cóc đường phố.

Nghiên cứu của Euromonitor International cho thấy, số lượng các điểm bán lẻ tiêu dùng tại chỗ đồ uống có cồn ở Việt Nam tăng mạnh ở tất cả các loại hình trong giai đoạn 2005-2009. Nếu năm 2005 ở Việt Nam ước tính mới có khoảng 471.500 cơ sở bán lẻ đồ uống có cồn cho tiêu dùng tại chỗ, đến năm 2009 con số này đã lên đến khoảng 536.200 cơ sở.

Chưa có số liệu chính thức thống kê số lượng cơ sở cũng như trị giá doanh số bán lẻ tiêu dùng tại chỗ sản phẩm đồ uống có cồn vào thời điểm hiện nay, song với tốc độ phát triển và nhu cầu tiêu dùng gia tăng như nêu ở trên thì chắc chắc số cơ sở bán lẻ đồ uống cho tiêu dùng tại chỗ có thể lên đến hàng triệu trên phạm vi toàn quốc, giá trị doanh số bán lẻ là không nhỏ.

Một điều đáng chú ý ở hình thức bán lẻ cho tiêu dùng tại chỗ là các cơ sở dạng quán bia, quán nhậu đường phố, vỉa hè… chiếm khoảng 80%. Đây được coi là điểm rất đặc thù, chỉ có ở khâu tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực đồ uống có cồn (nhất là bia, rượu) mới có.

Phân phối bán lẻ là một yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy nhanh quá trình tái sản xuất, tạo lập và duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn trên thị trường... Hoạt động bán lẻ đồ uống có cồn cho tiêu dùng tại chỗ phát triển nhanh đã và đang giúp các doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam tiếp cận hiệu quả người tiêu dùng và thị trường nội địa. Song thực tế hình thức phân phối này vẫn chủ yếu phát triển tự phát theo nhu cầu của thị trường chưa có một chiến lược cụ thể và định hướng.

Để góp phần phát triển thương mại bền vững, văn minh, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng… các doanh nghiệp ngành đồ ưống cần nghiên cứu các giải pháp tổ chức phát triển hình thức tiêu thụ này hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan cũng cần phải quan tâm hơn để kiểm soát chặt chẽ hơn./.

Lan Ngọc


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất