Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 1/6/2013 16:31'(GMT+7)

Bản chất của hiện tượng "đóng băng" tín dụng

 

Tiền đang chảy đi đâu?

Tính đến tháng 4-2013, tổng vốn huy động vào hệ thống ngân hàng (NH) tăng hơn 5%, song tổng vốn tín dụng chỉ tăng hơn 1% so với cuối năm 2012, trong khi các con số tương ứng của cả năm 2012 lần lượt là hơn 22% và khoảng 9%...

Trước hết, không thể chỉ căn cứ vào các con số tương đối (về tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn huy động và tổng tín dụng cho vay, kể cả tốc độ tăng hằng năm hay trong từng giai đoạn cụ thể) đó để vội vàng kết luận là tiền ứ đọng trong hệ thống NH. Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, các con số tuyệt đối về vốn huy động và vốn tín dụng cho vay sẽ giúp trả lời rõ hơn câu hỏi: Thực ra tiền đang ở đâu và đang đi đâu? Hay: Các NHTM, các TCTD đang làm gì với số tiền mà họ huy động được?

Nếu chỉ căn cứ vào các con số tương đối như tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay và huy động của hệ thống các TCTD những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy một bức tranh khác. Trở lại giai đoạn 1996 - 2001, tăng trưởng huy động vốn luôn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, với chênh lệch lên tới khoảng 5% mỗi năm. Sau đó, tình hình được đảo ngược ở giai đoạn 2002 - 2011, khi tăng trưởng tín dụng cho vay liên tục vượt xa so với tăng trưởng huy động vốn, với mức chênh lệch có những năm lên tới 10% (do tốc độ tăng tín dụng cho vay hằng năm lên tới 30 - 40% mỗi năm)...

Trong suốt một thập kỷ này, chỉ có duy nhất một ngoại lệ là năm 2006, tốc độ huy động vốn tăng cao hơn tốc độ cho vay khoảng 10%, nên kết quả quy mô tín dụng NH cho nền kinh tế đã tăng vọt từ dưới 20% GDP năm 1995 lên hơn 120% GDP vào năm 2010, trước khi giảm nhẹ xuống còn khoảng 110% GDP vào năm 2011 - 2012.

Như vậy, có thể thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay chậm lại ở giai đoạn 2012 - 2013 so với giai đoạn trước là cần thiết. Một mặt để kiềm chế sự tăng trưởng quá "nóng" của nguồn vốn tín dụng cho vay trong suốt nhiều năm trước đó, trong khi hiệu quả sử dụng nguồn vốn này ngày càng suy giảm (thậm chí tín dụng cho vay có phần dễ dãi đã kích thích người vay đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán...). Mặt khác, các NHTM "say sưa" cho vay - với tỷ lệ vốn cho vay trên vốn huy động của không ít NHTM lên đến hơn 100% - mà không dành sự quan tâm đáng kể đến đa dạng hóa hoạt động NH, đến giảm dần tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động tín dụng cho vay, để nâng dần tỷ trọng lợi nhuận thu được từ các dịch vụ NH phi tín dụng. Khi tốc độ tăng cho vay thấp hơn tốc độ tăng huy động và ngược lại, các NHTM sẽ đối mặt với tình trạng mất thanh khoản (cho vay quá dễ dàng khi tốc độ cho vay tăng nhanh hơn tốc độ huy động vốn) trong một giai đoạn nào đó.

Ðến lượt mình, các DN cũng "lao" vào khai thác nguồn vốn tín dụng NH với tỷ lệ vốn lệ thuộc lên đến 80-90%, khiến đòn bẩy nợ (tỷ lệ vay nợ trên vốn tự có) của không ít DN lên đến vài lần, thậm chí vài chục lần, kể cả DNNN cũng như DN ngoài nhà nước. Hệ quả tất yếu, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt...

Lành mạnh hệ thống

Chính vì vậy, thắt chặt tín dụng cho vay là một trong những biện pháp cần thiết để chấn chỉnh lại kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tín dụng NH, và buộc các DN phải tìm cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn, tích cực khai thác các nguồn lực tài chính phi NH hơn nữa, hỗ trợ giảm tỷ lệ nợ xấu.

Xét từ khía cạnh an toàn, lành mạnh, hạn chế rủi ro, cơ cấu lại thị trường tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói chung, vốn tín dụng NH nói riêng, chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu thì tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay chậm lại như những năm 2012 và 2013. Ðiều này không đáng lo, mà ngược lại, đó là diễn biến cần thiết và đáng mừng. Một vài con số tuyệt đối và cụ thể hiếm hoi, tuy chưa đầy đủ và chưa có tính hệ thống, do NHNN thỉnh thoảng công bố, có thể làm rõ hiện trạng vấn đề hơn.

Chính nhờ nguồn lực tài chính được phục hồi cũng như diễn biến tích cực của việc huy động vốn bốn tháng đầu năm 2013, hệ thống NH đã không chỉ từng bước bảo đảm quay trở lại đáp ứng các chỉ số an toàn tài chính, mà còn đáp ứng yêu cầu về dự trữ bắt buộc. Ðồng thời, còn dành được hàng trăm nghìn tỷ đồng để mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN..., bên cạnh tăng trích lập dự phòng rủi ro và chuẩn bị nguồn lực để xử lý nợ xấu, thậm chí tiếp tục kế hoạch tăng vốn tự có và tổng tài sản trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Do vậy, tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng trên tổng tài sản có của hệ thống TCTD hiện nay khoảng 53% là hợp lý đủ để bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống cũng như cung cấp vốn tín dụng cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vấn đề còn lại là hiệu quả sử dụng vốn tín dụng NH. 

Dưới góc nhìn vĩ mô, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế được bảo đảm hơn 100% GDP như hiện nay là một nỗ lực lớn của hệ thống NH; và trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế là phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng, chứ không phải tiếp tục tăng quy mô dư nợ tín dụng, trong khi hiệu quả sử dụng vốn chưa được cải thiện. Vì hệ quả tất yếu sẽ là nợ xấu, là "đóng băng" tín dụng, là tăng rủi ro, mất an toàn cho cả người cho vay, người đi vay và cả nền kinh tế. Cuối cùng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động được sẽ không chỉ quyết định lợi nhuận mà còn quyết định sự sống còn của mỗi NHTM, mỗi TCTD.

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của toàn hệ thống đã lên đến 103,3% và tính đến cuối năm nhờ tốc độ huy động vốn tăng 24%, trong khi tốc độ tăng dư nợ cho vay dừng lại ở 8,9% nên trạng thái cân bằng đã được lập lại với tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 2,87 triệu tỷ đồng - thấp hơn so với tổng vốn huy động khoảng 165,6 nghìn tỷ đồng. Ðiều đó đã giúp hệ thống NH vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn về thanh khoản vào cuối năm 2011.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất