Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 31/5/2013 17:49'(GMT+7)

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan ở thị trường Việt Nam

Nhà máy Nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn trạch 2, do Siemens - một doanh nghiệp châu Âu khá thành công trong lĩnh vực năng lượng ở thị trường Việt Nam cung cấp thiết bị chính.

Nhà máy Nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn trạch 2, do Siemens - một doanh nghiệp châu Âu khá thành công trong lĩnh vực năng lượng ở thị trường Việt Nam cung cấp thiết bị chính.

Theo kết quả cuộc khảo sát lần thứ 11 về Chỉ số Kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) thực hiện và công bố ở Hà Nội ngày 30/5/2013, số doanh nghiệp châu Âu cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại của họ ở Việt Nam đang tốt tăng từ 40% trong quý I lên 43% trong quý II; tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh tăng từ 30% trong quý I lên 43% quý II; kế hoạch tăng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu ở thị trường Việt Nam trong quý II/2013 là 13%, gấp đôi so với quý I; 76% doanh nghiệp trong cuộc điều tra cho rằng sẽ giữ nguyên hoặc tăng mức đầu tư (năm 2012 là 72%), số cho rằng sẽ cắt giảm đầu tư chỉ còn 19% (năm 2012 là 24%); 39% doanh nghiệp hy vọng tăng số lượng nhân viên, chỉ có 14% cho rằng sẽ giảm.

Có tới 84% doanh nghiệp phản hồi điều tra đánh giá đơn hàng/doanh thu của họ vẫn ổn định hoặc được cải thiện; trong đó, 53%  kì vọng doanh thu sẽ tăng (quý I là 45%), chỉ có 16% cho rằng lượng đơn hàng giảm (quý I là 23%).

Những lo ngại của các doanh nghiệp châu Âu về lạm phát ở Việt Nam cũng đang có chiều hướng giảm. 65% doanh nghiệp trong cuộc khảo sát cho rằng, lạm phát không tác động hoặc có nhưng không nhiều đến công việc kinh doanh của họ trong trung hạn (quý I là 55%, năm 2012 là 43%).

Các phản hồi khác đều đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tích cực; trong đó, 52% tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và cải thiện trong tương lai gần. Đây là điều mới thấy trong Chỉ số Kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu kể từ năm 2011 đến nay.

Khảo sát của EuroCham về tác động của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (nếu được ký kết) tới công việc kinh doanh của doanh nghiệp châu tại Việt Nam cũng cho thấy, 18% cho rằng sẽ tác động rất tích cực, 50% cho rằng sẽ có tác động tích cực, chỉ có 3% cho rằng tác động tiêu cực. Liên quan đến hiệp định này, doanh nghiệp châu Âu cho rằng, việc thực thi các quy định hiện hành và giải quyết các vấn đề về thuế quan nhập khẩu là những nội dung quan trọng tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ; những ưu tiên tiếp theo cần được giải quyết là vấn đề giấy phép lao động, điều kiện thuận lợi để mở công ty tại Việt Nam, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Khẳng định kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy, lòng tin vào tương lai ở thị trường Việt Nam trong trung hạn của các doanh nghiệp châu Âu đang được củng cố. Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund cũng cho rằng, đây chỉ là những chuyển biến nhỏ trên con đường phát triển lâu dài, bền vững. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực có những giải pháp điều hành sáng tạo để cải thiện các vấn đề về cấu trúc cơ bản của nến kinh tế; thực thi mạnh mẽ và tích cực các hiệp định thương mại tự do; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu hoạt động hiệu quả tại Việt Nam…/.

Thiện Minh

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất