Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 27/8/2008 14:11'(GMT+7)

Áp dụng học phí phổ thông mới có lợi cho người đi học

- Phóng viên: Tại hội nghị về xã hội hóa giáo dục tổ chức vào cuối năm 2007, Phó Thủ tướng có nhắc đến vấn đề giám sát chất lượng đối với các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Đến nay, việc này đã được triển khai như thế nào? Phó Thủ tướng nghĩ sao về tình trạng các trường tự dán “mác” chất lượng cao và thu học phí rất cao?

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN: Cho đến trước năm 2004, sự quan tâm về đánh giá chất lượng giáo dục chưa được đúng mức. 29 năm sau giải phóng chúng ta mới thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (KT&KĐCL). Trong 4 năm vừa qua, đã triển khai các phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp cơ sở, hiện 2/3 số Sở GD-ĐT đã có phòng chuyên môn này. Mục tiêu là trong năm học 2008 - 2009, tất cả các sở đều có phòng KT&KĐCL GD và như vậy, giáo dục phổ thông đã có cơ quan phụ trách về chất lượng. Nhưng bộ cũng hình dung là Nhà nước không thể đảm đương hết được nên sắp tới sẽ hình thành các tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, độc lập.

Hiện nay, chuyển biến rõ nhất mới ở khu vực đại học. Cách đây 3 năm có khoảng 60 trường đã tham gia đánh giá, đến 15-9 sẽ có 160 trường đại học sẽ tiếp tục tham gia. Phấn đấu năm học 2008 - 2009 có 90% số trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đến năm 2010 có ít nhất 80% số trường ĐH, 50% số trường CĐ được đánh giá ngoài (bởi các tổ chức kiểm định giáo dục - PV). Tuy nhiên, từ năm học 2008 - 2009, bộ có chỉ đạo thực hiện 3 công khai: công khai chất lượng đào tạo cam kết với người học, người học ở các trường phổ thông, đặc biệt là khu vực ngoài công lập phải biết được hưởng mức độ đào tạo như thế nào, chất lượng giảng dạy ra sao. Thứ 2 là công khai nguồn lực: danh sách giảng viên, trình độ, thiết bị giảng dạy và thứ 3 là công khai chi tiêu, các nguồn thu – chi… Đối với các trường ngoài công lập có thu chi thì phải công bố thu chi. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn để các sở triển khai chi tiết ở các trường.

Cùng với đó, bộ cũng thực hiện tinh thần 4 kiểm tra. Ở cấp bộ kiểm tra các tỉnh là ngân sách địa phương chi cho giáo dục có đủ - đúng hay không. Tiền học phí thu được thì sử dụng như thế nào? Và các khoản đóng góp khác, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về nguyên tắc là các trường được nhận tài trợ tự nguyện như thế nào. Nếu tiền tài trợ thuộc nhà trường thì phải chi như thế nào – sẽ có kiểm tra. Cuối cùng là kiểm tra tiến độ kiên cố hóa trường lớp.

- Thưa Phó Thủ tướng, dự thảo học phí và đổi mới cơ chế tài chính đã được soạn thảo khá lâu, trong năm học 2008 - 2009 có áp dụng không?

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN: Chính phủ đã nghe Bộ GD-ĐT báo cáo 2 lần về dự thảo đề án học phí và đổi mới cơ chế tài chính. Do đây là vấn đề nhạy cảm nên trong vài ngày tới sẽ trình Bộ Chính trị, sau khi Bộ Chính trị đã thông qua về mặt nguyên tắc rồi thì Chính phủ sẽ ban hành. Chúng ta biết học phí phổ thông hiện nay là do Hội đồng nhân dân quyết nên phải đến tháng 12 mới được thông qua để áp dụng từ năm sau. Khi triển khai, chúng tôi sẽ hướng dẫn các địa phương, có thể có 2 khả năng: một là áp dụng ngay trong học kỳ 2 hoặc là hết năm học mới làm.

Nhưng áp dụng học phí phổ thông mới thì chỉ có lợi cho người đi học, không ai cảm thấy gánh nặng của học phí, việc đi học sẽ dễ dàng hơn ở những vùng khó khăn, học sinh sẽ được hỗ trợ thêm tiền đi học. Tổng thu sẽ tăng vì vùng thu nhập cao sẽ đóng nhiều hơn nhưng vẫn nằm trong khả năng chi trả. Đối với học phí ĐH, CĐ, dạy nghề, tinh thần là sẽ tăng, người học sẽ đóng học phí nhiều hơn để trường có điều kiện cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng tốt hơn. Sẽ có 2 nguồn: nguồn từ thu nhập của gia đình và nguồn vay đi học. Quỹ tín dụng sinh viên trong năm qua đã có 754.000 sinh viên được vay vốn đi học. Dự kiến năm học này số sinh viên được vay sẽ là 900.000 người. Tinh thần là khi tăng học phí lên thì mức hỗ trợ học phí cho vay cũng tăng. Như vậy, việc tăng học phí đối với người đi vay không giảm mà được bù hoàn toàn mức tăng đó vào trong phần vay.

- Hiện nay, sinh viên sư phạm được miễn học phí. Vậy, với việc đổi mới cơ chế tài chính quy định về học phí đối với sinh viên sư phạm có thay đổi không, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN :Trước đây sinh viên sư phạm được miễn học phí. Phương thức thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm hiện nay sẽ thay đổi bằng cách thực hiện chính sách tín dụng sinh viên. Khi ra trường nếu đi dạy học ít nhất 5 năm đối với ĐH, CĐ và 3 năm đối với TCCN thì Nhà nước sẽ xóa nợ cả gốc và lãi phần chi trả cho học phí....

- Cảm ơn Phó Thủ tướng.

(SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất