Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 17/2/2022 7:47'(GMT+7)

Áp lực đối với tăng trưởng

Cảng Long Beach tại California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cảng Long Beach tại California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Động lực mạnh mẽ từ các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và chính sách lãi suất thấp đã hỗ trợ kinh tế Mỹ bật tăng trở lại với mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng sau năm 2020 suy giảm.
 
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP nước này năm 2021 là 5,7%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984. Điều này đánh dấu sự phục hồi ấn tượng vì chỉ một năm trước đó, kinh tế Mỹ suy giảm 3,4%, mức giảm sâu nhất trong 74 năm.
 
Đáng chú ý, quý IV/2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% dù đã bị cản trở do tác động của đợt bùng phát mạnh dịch COVID-19 do biến thể Omicron. Tuy nhiên, giá hàng hóa tăng phi mã và lạm phát gia tăng cũng gây áp lực cho nền kinh tế số một thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 7,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm qua, thậm chí vượt mức dự báo 7,2% của giới chuyên gia. Tính cả năm 2021, kinh tế Mỹ ghi nhận lạm phát tăng 3,9%.

Trong khi đó, tại châu Âu, cú sốc từ sự gián đoạn nguồn cung khí đốt làm ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa và dịch vụ của khu vực đồng euro (Eurozone), qua đó làm trầm trọng thêm tác động của giá năng lượng tăng cao đối với tăng trưởng của khu vực. Đây là cảnh báo của Ngân hàng Trung ương châu  Âu (ECB) đưa ra trong bối cảnh giá dầu mỏ leo lên mức cao nhất trong vòng bảy năm qua. Dự báo, giá năng lượng tăng cao sẽ khiến sản lượng kinh tế của Eurozone giảm khoảng 0,2% trong năm 2022 so với mức cơ bản của GDP, với tác động mạnh nhất trong quý I năm nay. Hơn 90% lượng khí đốt sử dụng ở Eurozone được nhập khẩu từ bên ngoài, đồng nghĩa với việc tác động tiêu cực đối với kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu khu vực này mất một số nguồn cung khí đốt.

Theo ECB, tác động trực tiếp và gián tiếp của việc phân bổ 10% khí đốt giả định đối với khu vực doanh nghiệp ước tính sẽ làm giảm tổng giá trị gia tăng của Eurozone khoảng 0,7%. Mức giảm thực tế thậm chí có thể lớn hơn do việc mô hình hóa không tính đến ảnh hưởng của sự thay đổi giá năng lượng. 

Giá dầu tăng gây ra sức ép không nhỏ đối với đà phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu, làm trầm trọng thêm vấn đề về lạm phát, chuỗi cung ứng. Cú sốc giá dầu đang thổi phồng lo ngại lạm phát và khả năng cao tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD/thùng thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1% vào năm sau đó. Bloomberg Economics cho biết, kịch bản giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng vào cuối tháng 2 này sẽ kéo theo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên 0,5% nửa cuối năm nay.

Trước đó, lạm phát tăng vọt trong năm 2021 khiến ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), phải tìm cách kiểm soát mà không làm chệch hướng phục hồi.

Tại Anh, lạm phát đã tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến, lên mức 5,4% trong tháng 12/2021, cao nhất trong vòng 30 năm qua. Giá nhiên liệu tăng tác động tới chuỗi cung ứng. Chi phí tăng đẩy giá các loại hàng hóa leo thang, tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.    

Trong lúc nhiều quốc gia, nhất là châu Âu, chưa tìm được lời giải cho “bài toán năng lượng”,  nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải chịu nhiều áp lực. Để duy trì sự ổn định của giá cả và bảo đảm tăng trưởng bền vững, các nước cần nhiều hơn những công cụ hỗ trợ và triển khai các chính sách phù hợp./.

Hương Tràm (nhandan.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất