Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 17/11/2008 22:28'(GMT+7)

APEC: Thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên

Bản đồ các nước thành viên APEC

Bản đồ các nước thành viên APEC

Diễn đàn APEC lần thứ 16 năm nay được tổ chức tại thủ đô Lima, Peru từ ngày 22-23/11. Trước đó, sẽ diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 20 (19-20/11/2008), Hội nghị các Quan chức cao cấp phiên cuối (SOM) từ 16-17/11/2008) và Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (từ 20-23/11/2008). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC 16.

Hội nghị cấp cao APEC 16 lần này diễn ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới ở vào giai đoạn khó khăn nghiêm trọng, đỉnh điểm là khủng hoảng tài chính, ngân hàng tại Mỹ, lan sang Châu Âu và các khu vực khác. Cuộc khủng hoảng bao gồm tài chính, nhiên liệu và lương thực đã tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, làm giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát tăng cao và đặt hầu hết các nước trước nhiều khó khăn. Vòng đàm phán Đô-Ha tiếp tục bế tắc.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Tuy vậy, các thoả thuận tự do thương mại song phương và khu vực (RTAS/FTAS) vẫn được đẩy mạnh, đặc biệt trong khu vực Châu á-thái Bình Dương.

APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác quan trọng. Trọng tâm hợp tác năm 2008 là các vấn đề kinh tế, thương mại, đối phó với các thách thức đang nổi lên như, khủng hoảng tài chính, lương thực, biến đổi khí hậu.

Theo đề xuất của nước chủ nhà Peru, Hội nghị cấp cao APEC 16- 2008 sẽ có chủ đề “Một cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ tập trung thảo luận 7 vấn đề quan trọng, gồm: (1) Khủng hoảng tài chính toàn cầu; (2) đối phó với việc tăng giá lương thực và hàng hóa; (3) vòng đàm phán Doha; (4) hội nhập kinh tế khu vực; (5) trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; (6) biến đổi khí hậu và (7) an ninh con người.

APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, APEC cũng là khu vực có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nước có số vốn lớn nhất trong tất cả các nước và các tổ chức trên thế giới.

Là thành viên trẻ tuổi nhất của APEC, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào tầm vóc hiện nay của diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới này. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội cuối năm 2006, với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng” do Việt Nam đề xuất đã chứng kiến hàng loạt sáng kiến của Việt Nam đóng góp cho tương lai phát triển của APEC. Tiêu biểu nhất là Kế hoạch Hà Nội thực hiện lộ trình Busan, hướng đến mục tiêu Bogor; kế hoạch cải cách APEC. Đây được coi là cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong 15 năm tới và góp phần tăng cường, hoàn thiện cơ chế hợp tác của APEC. Bởi vậy, ngay từ APEC 2007, đến năm 2020, mỗi kỳ hội nghị cấp cao hàng năm của APEC, người ta sẽ đều thấy rõ dấu ấn của Việt Nam, tinh thần trách nhiệm, vai trò của Việt Nam trong tiến trình hợp tác, phát triển của APEC.

Những thành tựu kinh tế, chính trị, đối ngoại thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. Sau thành công của APEC 2006, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực tại nhiều nhóm công tác của APEC, tham gia nhiều chương trình hoạt động của APEC và là thành viên của một số Nhóm bạn của Chủ tịch. Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác, trong đó bao gồm các đề xuất tổ chức Hội thảo, Khoá đào tạo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC. Các thành viên APEC, trong đó nhiều nước lớn đánh giá cao và coi trọng ý kiến của ta.

Đoàn Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị APEC 16 lần này, nhằm tiếp tục phát huy vai trò trong APEC, tham gia chủ động, tích cực, đóng góp và những nội dung quan trọng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao. Đây là dịp tiến hành các tiếp xúc song phương cấp cao, thúc đẩy quan hệ với các thành viên APEC, nhất và các thành viên lớn; tăng cường tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thúc đẩy quan hệ thương mại, thu hút đầu tư cho đất nước. Các diễn đàn của Hội nghị đồng thời là cơ hội để Đoàn Việt Nam thông tin về tình hình phát triển, chính sách kinh tế, xã hội của đảng và Nhà nước ta; củng cố lòng tin của các đối tác kinh tế và các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế Việt Nam sau giai đoạn khó khăn của năm 2008.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC) được 12 thành viên thuộc khu vực Châu á-thái Bình Dương sáng lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế tổ chức ở Can-bê-ra tháng 11/1989 theo sáng kiến của Ôt-xtrây-lia. Từ năm 1991 đến năm 1998, APEC đã kết nạp thêm 9 thành viên, trong đó Việt Nam chính thức tham gia APEC tháng 11/1998.

Từ năm 1999, APEC quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới trong 10 năm. Năm 2007, APEC cam kết tiếp tục kéo dài thời hạn ngừng kết nạp thành viên mới đến năm 2010 để củng cố tổ chức.

Kể từ khi thành lập tới nay, APEC đã phát triển thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất và lớn nhất thế giới, gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số thế giới, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.

Chương trình hoạt động của APEC xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.

Mục tiêu của APEC không nhằm xây dựng một khối thương mại, một liên minh thuế quan hay một khu vực mậu dịch tự do như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) mà là một diễn đàn mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và các khu vực khác.

APEC hoạt động trên nguyên tắc đối thoại mở và tôn trọng quan điểm của tất cả các thành viên. Không có các cam kết ràng buộc; sự tuân thủ đạt được thông qua thảo luận và hỗ trợ lẫn nhau dưới hình thức hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Trong APEC, tất cả các nền kinh tế đều có tiếng nói bình đẳng và các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Hội nghị Cấp cao) là diễn đàn có tính chất quyết định cao nhất, nơi hoạch định các chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho APEC.

Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức hàng năm trước Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành như Tài chính, Hàng không, Bưu chính Viễn thông,… nhằm xem xét và thông qua các chương trình hành động và đệ trình các sáng kiến, kế hoạch mới lên Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế.

Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM) nhằm triển khai các quyết định của Hội nghị Bộ trưởng, đệ trình các khuyến nghị, chương trình hợp tác lên Hội nghị Bộ trưởng xem xét.


Minh Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất