Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 14/11/2008 20:18'(GMT+7)

Chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh

Toàn tỉnh có 566.374 lao động; trong đó khu vực sản xuất là 480,015 lao động (chiếm 84,75% tổng số lao động), khu vực dịch vụ 86.359 người (chiếm 15,25%). Lĩnh vực sản xuất Nông-Lâm-Thủy sản có 346.604 lao động (chiếm 61,2%), tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 75,2% năm 1997 lên 84% năm 2007. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động từng bước được nâng cao.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 7,8% năm 1997 lên 38% năm 2007. Khi mới tái lập tỉnh (1-1-1997), kết cấu hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, cơ cấu kinh tế lạc hậu, sản xuất chậm phát triển... Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã biết nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu của công cuộc đổi mới vào thực tiễn của địa phương. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, chủ trương, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp làng nghề, đa nghề; phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn... Đây chính là những công cụ, động lực đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành luôn nắm bắt thời cơ, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, vượt qua khó khăn thách thức để phát triển toàn diện. Đồng thời có sự lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm và những khâu đột phá, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội với an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, giữ vững an ninh chính trị, củng cố quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Vì vậy trong 10 năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ sản xuất và đời sống được đầu tư khá đồng bộ; hệ thống điện, hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, thông tin, bưu chính, viễn thông, cơ sở hạ tầng giáo dục, văn hóa-thể thao, y tế và hệ thống chợ nông thôn... được đầu tư khá hoàn chỉnh. Do đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề phân hóa giầu nghèo trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của những chủ trương đúng đắn trên đã làm cho kinh tế xã hội trong tỉnh có bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Do nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng: Tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội có thể và cần phải làm tiền đề và điều kiện cho nhau, tăng trưởng kinh tế đến đâu phải thực hiện ngay công bằng xã hội đến đấy; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, trong suốt quá trình phát triển. Trong đó thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề phân hóa giầu nghèo là một trong những biện pháp quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung gắn kết đồng bộ giữa phát triển kinh tế-xã hội với xóa đói giảm nghèo, với nhiều giải pháp thiết thực như: khuyến khích làm giầu chính đáng, đề ra Nghị quyết, chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội giai đoạn 2001-2005 và 2005-2010; thành lập Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo ở các cấp; điều tra phân loại 19 xã khó khăn theo tiêu chí của tỉnh; điều tra mức sống dân cư hộ gia đình 2 năm/1 lần và điều tra hộ nghèo, tái nghèo, xóa nghèo 1 năm/1 lần; đề ra các chính sách huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề phân hóa giầu nghèo như: hỗ trợ 20% tổng kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở làm việc... cho các xã (với 19 xã khó khăn, mức hỗ trợ là 40%); được thể hiện tại các quyết định của UBND tỉnh như: Quyết định số 108/2002/QĐ-UB ngày 30-8-2002 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2002-2005 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 109/2002/QĐ-UB ngày 30-8-2002 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2002-2005 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 106/2005/QĐ-UB ngày 16-8-2005 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hỗ trợ các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 93/2007/QĐ-UBND ngày 21-12-2007 của UBND tỉnh về việc bổ sung quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2008-2010 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 170/2005/QĐ-UB ngày 22-12-2005 của UBND tỉnh về việc huy động, hỗ trợ và sử dụng vốn xây dựng, nâng cấp đường giao thông; Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 20-8-2007 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 49/2001/QĐ-UB ngày 8-6-2001 của UBND tỉnh Quy định hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Quyết định số 110/2002/QĐ-UB ngày 6-9-2002 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và chế độ cho giáo viên các trường mầm non dân lập; Quyết định số 140/2003/QĐ-UBND ngày 31-12-2003 của UBND tỉnh về việc quy định hỗ trợ xây dựng trụ sở xã và nhà sinh hoạt thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Và từ tháng 6-2008 UBND tỉnh tiếp tục bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn tại Quyết định số 85/2008/QĐ-UBND ngày 2-6-2008 của UBND tỉnh, cụ thể: hỗ trợ sản xuất trồng trọt: hỗ trợ 80% giá giống lúa siêu nguyên chủng; hỗ trợ 50% giá giống để sản xuất ra các loại giống rau mầu; hỗ trợ 40% giá giống lúa lai hoặc lúa chất lượng cao theo vùng quy định; hỗ trợ 100% phân kali cho trồng cây vụ đông... các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản; hỗ trợ 100% kinh phí cho tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đối với xây dựng hạ tầng nông thôn, ngân sách tỉnh hỗ trợ 40% tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung; xây dựng nâng cấp đường giao thông nông thôn; xây dựng mới, cải tạo nâng cấp trụ sở xã, nhà sinh hoạt thôn, trạm y tế xã và chợ nông thôn. Hỗ trợ 100% giá trị công trình kênh mương loại 1, loại 2; 50% với kênh loại 3. Hỗ trợ 50% giá trị đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp trường tiểu học và trung học cơ sở công lập, trường mầm non công lập và dân lập. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách: miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo, hỗ trợ vay vốn thông qua Quỹ quốc gia 120, ngân hàng chính sách xã hội, vốn của các tổ chức quốc tế, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của gia đình, dòng họ và của cộng đồng; tập huấn kiến thức sản xuất kinh doanh, tư vấn pháp lý miễn phí cho hộ nghèo... thông qua hàng loạt các giải pháp đồng bộ nêu trên, chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề phân hóa giầu nghèo đã thu nhiều kết quả thiết thực: toàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,1% năm 1997 xuống 3,5% (theo tiêu chí cũ) và xuống còn 9,3% năm 2007 (theo tiêu chí mới). Đến hết năm 2006, toàn tỉnh đã xây dựng được 745 căn nhà tình nghĩa, xóa hết nhà tranh tre nứa lá. Thu nhập bình quân của người dân Bắc Ninh tăng dần, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Năm 2002 thu nhập bình quân đầu người của Bắc Ninh mới bằng 91,6% so với bình quân của cả nước, thì đến năm 2004 đã là 100,7% và năm 2008 ước đạt 1.184 USD, cao hơn bình quân chung cả nước.

Cùng với xu hướng chung của cả nước, sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng làm cho phân hóa giầu nghèo tăng lên. Số liệu điều tra mức sống dân cư trong tỉnh cho thấy sự chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của 20% nhóm giầu nhất so với 20% nhóm nghèo nhất tăng từ 4,54 lần lên 6,8 lần năm 2006. Tuy có tăng, nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn bình quân chung của đồng bằng sông Hồng và bình quân chung của cả nước, nhưng tốc độ tăng của Bắc Ninh cao hơn. Điều này cũng thể hiện sự năng động của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng khá cao, đồng thời thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc gắn kết thường xuyên trong nhiệm vụ phát triển kinh tế đi liền với phát triển xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề phân hóa giầu nghèo.

Nguyễn Nhân Chiến
Theo Báo Bắc Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất