Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi
tất cả các bên liên quan giải quyết các cuộc biểu tình chống chính phủ
diễn ra trong vài tuần qua tại Thái Lan cần thông qua "giải pháp đối
thoại và tham vấn với tinh thần hòa bình và dân chủ."
Tuyên bố đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei nêu
rõ các nước thành viên ASEAN đang theo dõi sát sao những diễn biến tình
hình Thái Lan, đồng thời nhấn mạnh ổn định chính trị tại Thái Lan là cần
thiết nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh
vượng.
Brunei đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 15/12, một diễn đàn cải cách
chính trị Thái Lan đã được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia mang
tên Hoàng hậu Sirikit.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Thái Lan công khai tổ chức một diễn đàn
nhằm thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo
dài nhiều tuần qua tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tham dự diễn đàn có hơn 100 thành viên đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội.
Phó Thủ tướng Phongthep Thepkanchana cũng tham dự với tư cách đại biểu.
Diễn đàn được Thủ tướng Yingluck Shinawatra giao cho Bí thư thường trực
Văn phòng Chính phủ Tongthong Chandransu chủ trì.
Đảng Dân chủ đối lập và phong trào biểu tình chống chính phủ đều được
mời, song không cử người tham dự. Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu ý
tưởng ủng hộ cải cách chính trị trong khuôn khổ luật pháp, hướng tới
cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 2/2/2014.
Một bộ phận người dân thủ đô Bangkok quan tâm tới sự kiện này đã tập
trung bên ngoài phòng họp để theo dõi các đại biểu tranh luận qua truyền
hình. Phần lớn những người này không ủng hộ phong trào biểu tình và cho
rằng ông Suthep Thaugsuban đang đưa Thái Lan đi ngược lại tiến trình
dân chủ.
Trong một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm Suan Dusit tiến hành, phần
lớn số người tham gia đều có ý kiến muốn các tổ chức độc lập tham gia tổ
chức các diễn đàn hòa giải để giải quyết bất ổn chính trị hiện nay một
cách hòa bình.
Trong gần 1.500 người được hỏi, có gần 55% cho rằng nên mời các tổ chức
độc lập như Hội đồng phát triển chính trị hay Học viện Vua Prajadhipok
tham gia tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.
Gần 21% số người được hỏi cho rằng cần có sự tham gia của các cơ quan
nhà nước và gần 14% muốn mời các học viện và trường đại học, trong khi
khoảng 10% muốn có sự tham gia của khu vực tư nhân./.
(TTXVN)